Ngày 13/5/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1 năm 2023) 39 lô đất trên địa bàn TP. Đông Hà (Quảng Trị).
Có 40 hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trong đó 6 hồ sơ không đủ điều kiện đấu giá vì không nộp tiền đặt trước, 5 lô đất chỉ có một người tham gia đấu giá nên cũng không đủ điều kiện trúng đấu giá. Kết quả chỉ có 9 lô đất trúng đấu giá. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết, đối với 5 lô đất không đủ điều kiện trúng đấu giá nói trên sẽ được đưa ra đấu giá lại vào ngày 10/6/2023.
Có nhiều quy định pháp luật liên quan đến đấu giá tài sản nói chung, quyền sử dụng đất nói riêng, tuy nhiên, trong bài viết này chỉ đề cập đến việc đấu giá tài sản bằng hình thức “bỏ phiếu gián tiếp” trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá.
Tại khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại luật này, trừ việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá (gọi tắt chỉ có một người đấu giá) chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu giá lần đầu nhưng không thành.
Như vậy về nguyên tắc đấu giá tài sản phải có từ hai người tham gia. Quy định này cứ nghĩ “chặt chẽ”, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, với mong muốn thu được khoản tiền bán tài sản cao nhất có thể. Nhưng không ngờ đây cũng là “kẽ hở” để người đấu giá tài sản “lách luật”, thu lợi khi đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp.Lãnh đạo một đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dẫn chứng việc “lách luật” này qua câu chuyện cụ thể. Đó là về trường hợp có một người (xin giấu tên) đấu giá lô đất cao hơn giá khởi điểm hơn 300 triệu đồng, nhưng không được công nhận kết quả vì không đảm bảo điều kiện phải có từ hai người tham gia. Khi tổ chức tổ chức đấu giá lại, người này đã trúng lô đất đó với giá chỉ hơn giá khởi điểm 1 triệu đồng.
Nguyên nhân rất dễ hiểu, là do khi công bố kết quả đấu giá phải nói rõ lý do vì sao không trúng đấu giá. Tức buộc phải để lộ một thông tin hết sức quan trọng là lô đất này hiện không có người thứ hai quan tâm. Vậy nên, khi tổ chức đấu giá lại, người này đã hợp thức hóa bằng hai bộ hồ sơ và kết quả là ngân sách nhà nước thất thu gần 300 triệu đồng. Biết thế nhưng đành chịu, vì tất cả quy trình, thủ tục đều đúng luật.
Đối với trường hợp tổ chức đấu giá tài sản lần hai cũng chỉ có một người tham gia thì pháp luật xử lý thế nào? Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Trường hợp đấu giá tài sản theo phương thức trả giá lên, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá, hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó nếu người có tài sản đấu giá đồng ý bằng văn bản. Việc đấu giá tài sản nêu trên chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và không có khiếu nại liên quan đến trình tự, thủ tục cho đến ngày tổ chức cuộc đấu giá.
Bên cạnh đó, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá quy định tại Điều 49 của Luật Đấu giá tài sản không áp dụng đối với các tài sản: tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản khác mà pháp luật quy định không đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.
Quy định này nhằm bảo đảm cho tài sản của Nhà nước được bán thông qua hình thức đấu giá thu được giá trị cao nhất, không bị thất thoát. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 lại quy định: “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất hai lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất không phải đấu giá quyền sử dụng đất”. Căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2013, một số địa phương đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất khi thửa đất đó không có người tham gia hoặc chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất hai lần nhưng không thành.
Từ quy định pháp luật cho thấy, đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, thì đấu giá lần đầu đương nhiên không đủ điều kiện để công nhận trúng đấu giá. Đấu giá lại dễ xảy ra việc hợp thức hóa hồ sơ làm thất thu ngân sách nhà nước.
Vậy xử lý thế nào trong trường hợp này? Theo chúng tôi, cần quy định cụ thể số lượng người tham gia đối với từng hình thức đấu giá tài sản. Quy định phải có từ hai người tham gia chỉ áp dụng với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá/đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá/đấu giá trực tuyến.
Còn với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, người đấu giá không biết được số người tham gia, nên mức giá mà họ đưa ra đảm bảo tính khách quan, đó chính là ý chí, mong muốn của họ. Vì vậy, với loại hình đấu giá này không nên quy định phải có từ hai người tham gia, nhằm tạo thuận lợi cho người đấu giá, đồng thời tránh việc hợp thức hóa hồ sơ làm thất thu ngân sách nhà nước như đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, có sự thiếu thống nhất trong quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Luật Đất đai năm 2013 đối với trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Vẫn biết khi có quy định khác nhau giữa các luật về một vấn đề thì áp dụng theo luật chuyên ngành, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu vậy. Mặt khác, trong trường hợp cụ thể này, thực tế đã có cách hiểu khác nhau về luật chuyên ngành, dẫn đến áp dụng khác nhau. Vậy nên, cần nghiên cứu, điều chỉnh để thống nhất giữa các luật trong đấu giá quyền sử dụng đất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)