Nghỉ hè là lúc các em học sinh được thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi sau khoảng thời gian dài học tập căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khiến đa phần các bậc phụ huynh đặc biệt lo lắng vì không biết phải quản lý, kiểm soát con em mình như thế nào trước thực trạng trẻ em ngày càng “nghiện” sử dụng các thiết bị điện tử.
Vừa kết thúc năm học cũ, như bao đứa trẻ khác, em Nguyễn Lê Hoàng Quân (12 tuổi), hiện đang sống tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đã có khoảng thời gian nghỉ “xả hơi” đúng nghĩa. Không cần phải thức dậy sớm đi học như mọi ngày, buổi sáng của cậu bé ấy bắt đầu từ lúc 9 giờ sáng và các hoạt động trong ngày chủ yếu xoay quanh việc ăn, ngủ và chơi. Hết xem điện thoại, Quân mở ti vi xem hoạt hình, sau đó lại quay sang xem điện thoại.
Bố mẹ Quân là cán bộ nhà nước, phải đi làm cả ngày nên không có thời gian, điều kiện để bên cạnh hay quản lý con một cách tuyệt đối. Hệ quả là dù kỳ nghỉ hè mới chỉ diễn ra được hơn 2 tuần nhưng cậu bé bắt đầu có những biểu hiện bất thường như lơ là, mất tập trung; khoảng cách ngồi xem ti vi ngày càng ngắn lại...
Gặp chúng tôi khi đang đưa con đi kiểm tra thị lực mắt, chị Lê Thị Quỳnh Châu, mẹ của Quân buồn bã cho hay: “Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị cận thị do xem ti vi, điện thoại quá nhiều. Bình thường con đi học còn đỡ, đến kỳ nghỉ hè của con là vợ chồng tôi lại lo “sốt vó” vì chỉ con được nghỉ còn chúng tôi vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian bên cạnh quản lý, nhắc nhở con. Ở thời đại công nghệ số như thế này, cấm con xem ti vi, điện thoại là điều rất khó thực hiện vì dẫu sao các thiết bị này cũng mang lại một số lợi ích”.
Vợ chồng anh Lê Vĩnh Phú, hiện đang sống tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, có 2 con nhỏ. Một cháu học lớp 7, cháu còn lại mới học mẫu giáo nhỡ. Trước nỗi lo con cái nghiện các thiết bị điện tử, kỳ nghỉ hè năm nay, vợ chồng anh quyết định lắp thêm camera trong nhà để kiểm soát con mình kỹ hơn trong việc sử dụng điện thoại, ti vi. “Tôi từng chứng kiến con của người bạn thân vì lạm dụng thiết bị điện tử từ nhỏ mà tâm lý trở nên bất ổn, cháu không thể phát âm rõ ràng, dễ cáu gắt, nổi giận. Mới đây, khi nghe số liệu do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội công bố, rằng trẻ em ở nước ta sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào internet, cao hơn 2-3 lần so với khuyến cáo, vợ chồng tôi thực sự lo lắng.
Từ đó, chúng tôi tìm hiểu, tham khảo nhiều nơi về cách bảo vệ, kiểm soát con trước những “cám dỗ” của thiết bị điện tử”, anh Phú nói. Cũng theo anh, camera chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn nên làm cho các con hiểu rõ cách sử dụng thiết bị điện tử đúng cách.
Còn để hạn chế con lạm dụng các thiết bị điện tử, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, hiện đang sống tại phường Đông Lễ, TP. Đông Hà chỉ cho con sử dụng Ipad và máy tính từ 1 - 1,5 giờ/ngày, trong đó có hơn 30 phút truy cập các trang học tiếng Anh; thời gian còn lại xem kênh Youtube với mục đích giải trí. “Vợ chồng tôi thường xuyên nhắc nhở con về những tác hại khi sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều. May mắn là các cháu đã nhận thức được điều này và tự giác sử dụng thiết bị điện tử trong đúng thời gian quy định dù không có bố mẹ ở bên cạnh”, chị Quỳnh tự hào khi nói về cậu con trai Lê Tường Khải Minh của mình.
Thực tế cho thấy, ngày nay, nhiều trẻ em có thói quen sử dụng điện thoại, ipad, máy tính, ti vi từ rất sớm. Khoảng thời gian ấy càng kéo dài hơn khi các em bước vào kỳ nghỉ hè. Trẻ càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử thì càng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bằng chứng là sau mỗi kỳ nghỉ hè, số lượng trẻ đến thăm khám vì xuất hiện nhiều triệu chứng nghiện màn hình và game online gia tăng.
Theo Hội đồng Nhi khoa Hoa Kỳ, thời gian ngồi trước màn hình của trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi là 0 giờ; trẻ 2 - 3 tuổi tối đa 1 giờ mỗi ngày; trẻ trên 3 tuổi trở lên tối đa 2 giờ mỗi ngày. Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, trẻ nhỏ có nguy cơ bị chậm nói, kém tập trung, dễ mắc các bệnh về mắt, táo bón vì ít hoạt động.
Trẻ lớn lên khi nghiện game thì tính tình dễ trở nên hung hăng hoặc lầm lì. Có trẻ trở lên cáu gắt bởi ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực. Công nghệ khiến trẻ em có xu hướng thiếu kiên nhẫn, thích dựa dẫm vào mạng internet. Bên cạnh đó, lạm dụng thiết bị điện tử cũng là nguyên nhân khiến các bệnh về mắt có nguy cơ tăng cao trong mùa hè.
Bác sĩ CKI Nguyễn Hoàng Giang, Bệnh viện Mắt Quảng Trị, khuyến cáo không nên cho trẻ đọc sách, xem ti vi hay các thiết bị điện tử khác quá 2 giờ liên tục hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng. Đồng thời phải tập cho trẻ có tư thế học đúng chuẩn từ khi còn nhỏ.
“Hiệp hội thị lực Hoa Kỳ khuyến nghị, cha mẹ có thể áp dụng theo quy tắc 20/20/20 cho trẻ, tức là cứ sau 20 phút tập trung nhìn vào thiết bị điện tử, nên để cho mắt nghỉ ngơi và tập trung nhìn vào một vật khác cách xa ít nhất 20 dặm, trong khoảng thời gian ít nhất 20 giây. Hoạt động vui chơi ngoài trời là những bài tập luyện tốt nhất với trẻ nhỏ, giúp các em phát triển tầm nhìn. Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu về giảm chức năng thị giác thì nên khám sớm để điều chỉnh kịp thời”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Trẻ em ngày nay đang bị “bao vây” bởi những thiết bị công nghệ hiện đại. Nếu không có sự định hướng và quản lý tốt từ cha mẹ, trẻ sẽ mất dần đi tuổi thơ. Dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ khiến trẻ quên mất các hoạt động bổ ích như: học ngoại ngữ, rèn luyện thể dục - thể thao, tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp.
Vì vậy, cha mẹ nên quản lý thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ một cách phù hợp. Đồng thời cân bằng giữa thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử và các hoạt động ngoài trời, đảm bảo cho trẻ có một mùa hè an toàn, lành mạnh, hữu ích.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)