Vào trung tuần tháng 7/2022, Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phát triển kinh tế nuôi trồng và chế biến thủy sản công nghệ cao.
Đây là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất của cả nước và cũng là địa phương có doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn, có thị trường xuất khẩu ở nhiều nước trên thế giới. Qua thực tế khảo sát vùng nuôi sinh thái, nuôi tôm công nghiệp và các nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Camimex, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho việc phát triển các mô hình này ở Quảng Trị trong thời gian tới.
Cà Mau là tỉnh ven biển cực Nam của Việt Nam, có Biển Đông và Biển Tây, là một trong bốn tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau có diện tích 5.295 km2 với địa hình bán đảo với 3 phía giáp biển, có 87 cửa sông thông ra biển đã tạo ra vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước và ngư trường rộng lớn cho phát triển khai thác thủy sản.
Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp tỉnh Cà Mau đạt nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện. Tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 20.746 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,7%/năm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Là tỉnh có thế mạnh về phát triển thủy sản, cơ cấu giá trị sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp năm 2021 chiếm 85,43%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 302.635 ha, riêng nuôi tôm đạt 278.788 ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm của cả nước; sản lượng tôm mỗi năm chiếm 29% sản lượng tôm Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước.
Nuôi tôm ở Cà Mau với nhiều loại hình, như nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng, đối tượng nuôi chủ yếu tôm sú, tôm thẻ được ứng dụng công nghệ cao. Cà Mau đang xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với ngành hàng tôm, đã kết nối với 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 hợp tác xã, tổ hợp tác xã để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu tôm có chứng nhận quốc tế, thực hành nuôi tôm bền vững, có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, ngành chế biến nông, lâm, thủy sản là ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp Cà Mau. Toàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến xuất tôm khẩu, trong đó có 32 nhà máy được đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Đa số nhà máy đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôm Cà Mau có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 4 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Tính ra, sản lượng cung ứng mỗi ngày khoảng 1.500- 1.700 tấn thủy sản các loại, trong đó có khoảng 500- 600 tấn tôm, chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu, khoảng 10%- 15% phục vụ tiêu dùng trong nước, giá trị kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 1 tỉ USD, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.
Trao đổi với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng với điều kiện tự nhiên của Quảng Trị có thể nghiên cứu nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào nuôi tôm. Qua đó, hy vọng với sự quyết tâm và nỗ lực, tỉnh Quảng Trị sẽ đạt được sự thành công, nhất là đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản công nghệ cao. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng mong muốn hai tỉnh Quảng Trị và Cà Mau ngày càng thắt chặt mối quan hệ, tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Camimex Bùi Sỹ Tuấn cho biết sắp tới tập đoàn sẽ đầu tư vào Quảng Trị với chuỗi giá trị: sản xuất con giống - vùng nuôi - chế biến - xuất khẩu. Theo thiết kế, nhà máy chế biến thủy sản được đầu tư với quy mô diện tích sản xuất và chế biến hơn 6 ha tại Cửa Tùng; đầu tư vùng nuôi tôm, cá chẽm 30 ha để làm mô hình cho Nhân dân mở rộng diện tích nuôi trồng, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Theo tính toán, nhà máy chế biến sẽ được đầu tư xây dựng hoàn thành trong vòng 1 năm, tạo việc làm bước đầu cho hơn 1.000 lao động phổ thông địa phương; kim ngạch xuất khẩu thủy sản trung bình đạt 100 triệu USD/năm.
Công nghệ mà Tập đoàn Camimex áp dụng ở Quảng Trị đảm bảo môi trường sinh thái; áp dụng cả công nghệ nuôi tôm ở trong nhà, nước thải sẽ được xử lý tái sử dụng không thải ra môi trường với quy trình nuôi nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Với bờ biển dài 75 km, vùng ven biển Quảng Trị có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ chuyến khảo sát thực tế, tìm hiểu khu nuôi sinh thái và Công ty Sản xuất giống tôm (Camimex Organic) tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau; nhà máy chế biến tôm của Camimex Corp - Zone tại TP. Cà Mau; làm việc với Camimex Group và làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ thông tin để thực hiện hiệu quả việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản công nghệ cao trong thời gian tới, trong đó sự cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn Camimex về đầu tư cơ sở nuôi thủy sản và chế biến xuất khẩu trong năm 2022 này là tín hiệu vui, hứa hẹn sự phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trở thành bệ đỡ cho sự phát triển nền kinh tế của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)