Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã thảo luận và thống nhất kết luận Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu của kế hoạch là quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh; từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng hợp lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với cải cách hành chính; thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính địa phương. Việc xây dựng kế hoạch tài chính tỉnh giai đoạn 2021-2025 một cách đúng đắn, khoa học và tính khả thi trong điều kiện thực tế của tỉnh để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu về tài chính mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định; bảo đảm tỉ lệ chi hợp lý cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, công tác tài chính - ngân sách nhà nước được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được kết quả tích cực, phát huy vai trò, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư mới; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quản lý, điều hành ngân sách giai đoạn này có nhiều đổi mới, chặt chẽ, đúng quy định; tập trung phân cấp để tạo sự chủ động cho các cấp trong tập trung khai thác nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế, thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu; khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế; từng bước điều chỉnh và bố trí hợp lý các khoản chi. Đã có nhiều giải pháp để hoàn thành tốt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao; bảo đảm được cân đối một phần ngân sách hằng năm và nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi, các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên cho các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong thực hiện kế hoạch tài chính. Quy mô nguồn thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn có hạn; nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước thấp; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do thực hiện các chính sách thuế theo các cam kết mà Việt Nam tham gia. Hằng năm, tỉ trọng chi thường xuyên tăng khá cao trong tổng chi, nhất là phải bố trí nguồn lực lớn để khắc phục thiên tai, phòng, chống dịch bệnh; chi đầu tư còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu tiền sử dụng đất; quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công giai đoạn 2016 - 2020 còn hạn chế... Những hạn chế trên một phần có nguyên nhân do tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng chủ yếu vẫn là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, còn vướng mắc, chưa sát thực tế, thực thi có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc phân cấp, phân quyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; phần lớn doanh nghiệp địa phương là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mức độ cạnh tranh thấp; nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tuy có tăng qua từng năm nhưng vẫn còn thấp, đặc biệt phần ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp chưa đáp ứng được nhu cầu chi ngày càng cao của địa phương.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch tài chính đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là: Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt 22.750 tỉ đồng; trong đó, thu nội địa 19.670 tỉ đồng và tăng bình quân hằng năm 10% - 12%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương 49.413,691 tỉ đồng; bội chi ngân sách địa phương hằng năm trong phạm vi dự toán Quốc hội, Chính phủ giao. Để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của tỉnh là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách địa phương về thu, chi ngân sách nhà nước gắn với việc cụ thể hóa các chính sách, quy định của trung ương đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp thực tiễn công tác quản lý tài chính địa phương. Nâng cao công tác tổ chức, quản lý điều hành và xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước hằng năm, đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công. Công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính - ngân sách; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, trụ sở làm việc.
Phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán giao hằng năm. Tăng cường rà soát nguồn thu, nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu, nhất là nguồn thu từ các dự án quan trọng của tỉnh. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản công; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp... Quyết liệt chỉ đạo chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Giữ cơ cấu chi ngân sách hợp lý, từng bước tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng chi thường xuyên; bảo đảm đủ nguồn lực chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Tiếp tục thực hiện tốt tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiên tai. Phân bổ vốn đầu tư đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công của địa phương. Tăng cường quản lý nợ vay chính quyền địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch trả nợ, bố trí nguồn để trả nợ; quản lý, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án, giải ngân và thanh quyết toán vốn vay, vốn đầu tư của dự án.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)