Tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, hiến kế vì quê hương Quảng Trị giàu đẹp

Đan Tâm |

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2022), chiều ngày 27/4/2022, Báo Quảng Trị tổ chức khởi động diễn đàn “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững”, đăng trên các số báo Quảng Trị từ thứ Hai đến thứ Sáu và báo Quảng Trị điện tử.

Đến nay, Báo Quảng Trị đã đăng trên 60 bài viết, bài trả lời phỏng vấn của các tác giả là lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước, lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, các nhà báo và cộng tác viên Báo Quảng Trị với nhiều ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư để phát triển bền vững

Chia sẻ sự quan tâm sâu sắc về tiến trình phát triển của tỉnh trước mắt cũng như trong tương lai, các ý kiến phát biểu tại cuộc gặp mặt khởi động diễn đàn cũng như các tác giả bài viết hoặc thông qua trả lời phỏng vấn đã thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp khả thi, tâm huyết.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững cần phải hội đủ 3 thành tố: đó là tiềm năng, lợi thế và nguồn lực. Để thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đến hợp tác với Quảng Trị, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bằng những giải pháp sát đúng, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Một số bài báo tham gia diễn đàn “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững” trên báo Quảng Trị -Ảnh: Đ.T
Một số bài báo tham gia diễn đàn “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững” trên báo Quảng Trị -Ảnh: Đ.T


Những hiến kế về khai thác hiệu quả đối với Hành lang kinh tế Đông-Tây nêu rõ, cần nghiêm túc đánh giá lại một cách khách quan về ưu điểm và nhược điểm nhưng phải khẳng định nhất quán rằng đây là một lợi thế đặc thù của Quảng Trị.

Nhiều bài viết, ý kiến tiếp tục kiến nghị trung ương, tỉnh xem xét, nghiên cứu để Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan sớm đi vào hoạt động hiệu quả; đưa vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện để sớm hình thành bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu hàng phục vụ cho các dự án nhập khẩu than đá từ Lào phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Bố trí các nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn để nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng giao thông, bến cảng, cửa khẩu... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những giải pháp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, đưa tỉnh sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Đặc biệt là triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát, định hướng để hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, tích hợp vào quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh. Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để bắt kịp và đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận và ứng dụng công nghệ số phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về du lịch, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định lại tiềm năng và lợi thế về du lịch cũng như hiện trạng đầu tư phát triển. Nên chọn một số địa bàn trọng điểm để đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách xứng tầm chứ không khuyến khích phát triển du lịch một cách tự phát.

Một khi đã ưu tiên đầu tư thì phải tập trung kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực làm du lịch. Nhiều ý kiến nêu cần tập trung mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để đầu tư thỏa đáng cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị các di tích.

Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng của Quảng Trị. Trên cơ sở đó, tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trước mắt là tổ chức tốt Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất, năm 2024.

Có nhiều ý kiến đề xuất các địa phương cần tập trung phát triển các trung tâm thương mại, điểm thương mại; dành quỹ đất thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là tại các khu đô thị đông dân cư, gắn với du lịch của địa phương.

Thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistics, các tổng kho hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây để hiện thực hóa xây dựng Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Các giải pháp về tăng nguồn thu ngân sách, ngành Ngân hàng Quảng Trị khơi thông nguồn vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh cũng được phân tích, làm rõ.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác, phát huy thế mạnh của từng địa phương

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần xác định không chỉ đơn thuần là phát triển năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mà còn phải khơi dậy, phát huy được truyền thống, văn hóa, tình yêu quê hương, khát vọng cống hiến của con người Quảng Trị với quê hương.

Chính vì thế, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cần đào tạo ra các thế hệ công dân phát triển toàn diện, trung thành với sự nghiệp cách mạng, yêu quê hương, đất nước, có đầy đủ tài năng, phẩm chất và bản lĩnh, vừa “hồng” vừa “chuyên” để vượt qua những thách thức của thời đại, đưa quê hương tiến lên theo kịp trào lưu phát triển chung của đất nước, thế giới. Tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm...

Tại diễn đàn, lãnh đạo các địa phương đã có những ý kiến đóng góp xác đáng nhằm thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển bằng những thế mạnh riêng có của mình, đó là thúc đẩy phát triển du lịch ở Hướng Hóa; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu ở Cam Lộ; đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Đakrông, xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành điểm đến, không gian “Vì Hòa bình”, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Quảng Trị...

Những hiến kế về khai thác nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển cũng được phân tích rất thuyết phục trong đó nhấn mạnh coi quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một thành tố quan trọng, bởi đó không chỉ góp phần tăng nguồn lực cho địa phương mà còn hiện thực hóa, phát huy hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước.

Để khép lại bài đánh giá khái lược này về những ý kiến đóng góp từ diễn đàn: “Quảng Trị làm gì để phát triển nhanh và bền vững”, chúng tôi xin trích đăng bài viết: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương” của ông Đào Mạnh Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị: “Nội hàm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn kết hữu cơ với giữ vững quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, thường xuyên; khẳng định giá trị cốt lõi của MTTQ Việt Nam đó là: luôn tiêu biểu cho truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; dựa vào dân để khơi dậy khát vọng phát triển nhanh và bền vững quê hương Quảng Trị mến yêu”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bác Hồ làm báo tại Thái Lan để tuyên truyền kiều bào yêu nước

Trần Xuân Huy |

Từ lúc mới bước chân sang Pháp tìm đường cứu nước lấy tên Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ đã tham gia sáng lập ra tờ báo La Paria (Người Cùng Khổ). Và cho đến sau này đã có nhiều tờ báo được Bác sáng lập và tham gia sáng lập, nhưng đối với kiều bào Thái Lan thì tờ Thân Ái là tờ báo để lại dấu ấn lớn nhất.

Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023

Tú Linh |

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2024), tối nay 21/6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII, năm 2023 được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, TP. Hà Nội.'

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nêu 3 điểm "cốt lõi" đối với báo chí trong tình hình mới

Thanh Mai |

Theo Bộ trưởng Hùng, thời đại công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ như hiện nay đã đặt báo chí vào "con đường" phải đổi mới.

Nhà báo Trần Trọng Tốn và một thời sôi nổi, nhiệt tình, tâm huyết

Hoàng Nam Bằng |

Cho đến nay, bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng ấn tượng trong tôi về Tổng Biên tập (TBT) đầu tiên của Báo Quảng Trị sau ngày tỉnh Quảng Trị lập lại năm 1989 vẫn còn sâu đậm. Ông là Trần Trọng Tốn, quê ở làng Cam Lộ, xã Cam Thành (cũ), nay là thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, sống giản dị, hòa đồng với anh chị em trong cơ quan, là thủ trưởng đứng đầu cơ quan, không bao giờ nặng lời, la mắng ai nhưng ông rất kiên quyết trong đấu tranh chống tiêu cực.