Từ ngày 1.5, trạm BOT Bắc Hải Vân chính thức nâng mức giá thu phí lên 110.000 đồng/lượt - mức thấp nhất, lập tức ôtô đã đổ xô vượt đèo để né trạm. Phản ứng này từ người dân, doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vì đường đèo quanh co, hiểm trở.
Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn còn quy định không được đặt 2 trạm BOT đường bộ cách nhau dưới 70km. Trong khi đó, đoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng hơn 80km, đã có trạm BOT Phú Bài ở giữa (thu phí cho dự án đường tránh Huế).
Để tránh không vi phạm quy định "cấm" đặt 2 trạm dưới 70km, từ 2016, nhà đầu tư dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã xin tận dụng trạm BOT Bắc Hải Vân để thu phí - vì dự án này chỉ cách Phú Bài hơn 40km. Dù việc đặt trạm dày đặc, chưa đúng vị trí, khiến dân bị thu phí oan, nhưng khoảng cách này tương đối, người dân chấp nhận được.
Sự bất hợp lý không dừng lại ở đó. Khi đang thi công, mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân thành hầm đường bộ Hải Vân 2 chưa xong, nhà đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả đã xin và được cho phép thu phí trước (với mức 35.000 đồng/lượt đối với ôtô dưới 12 chỗ ngồi - mức thấp nhất) từ tháng 9.2019.
Vì trạm BOT của dự án hầm Hải Vân chỉ cách trạm BOT của dự án hầm Phú Gia, Phước Tượng 12km, lại vi phạm quy định khoảng cách như nói trên, nên Tập đoàn Đèo Cả xin được thu phí ghép với dự án hầm Phú Gia, Phước Tượng tại trạm Bắc Hải Vân.
Đó là lý do trạm BOT này có mức phí 70.000 đồng/lượt, cao gấp đôi trạm BOT thường ở khắp cả nước kể từ 27.9.2019.
Tháng 1.2021, hầm đường bộ Hải Vân 2 hoàn thành, thông xe, viện lý do bị "áp lực tài chính", nhà đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả đã xin tăng phí ở trạm BOT Bắc Hải Vân, để rồi từ ngày 1.5, tại đây có mức phí thấp nhất đến 110.000 đồng/lượt, cao hơn gấp 3 lần so với trạm BOT thường nơi khác.
Sức chịu đựng của người dân là có hạn, nhưng vấn đề quan trọng là việc thu phí, tăng phí đã đúng các quy định nhà nước chưa? Nếu có sai phạm thì do ai?
Hiện UBND tỉnh TT-Huế đã có văn bản xin hoãn, nới thời gian tăng phí ở trạm BOT Bắc Hải Vân sang ngày 1.6.2021. Nhưng cái người dân cần là giải thích rõ lý do tăng phí, thu chồng nhiều dự án trên một trạm có phù hợp và đã đúng pháp luật hay không? Vì sao không tăng thời gian thu phí mà tăng mức thu?...
Dự án BOT lẽ ra chỉ được đầu tư, xây dựng hoàn toàn mới, không được đặt trên Quốc lộ. Dự án mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân chỉ 1 hạng mục trên Quốc lộ 1A, nhưng khi "thò được "cái chân cáo" vào làm dự án BOT, nhà đầu tư được thu phí cả Quốc lộ 1A, được thu ghép, chồng với dự án khác, khiến dân phải đóng phí cho cả 2 dự án sát kề, cách nhau hơn 10km, rồi bây giờ liên tục tăng phí... Khi chiếm được trọn một đoạn Quốc lộ 1A, nhà đầu tư còn tuyên bố, dân có quyền không lựa chọn dịch vụ, có thể qua 20km cung đèo quanh co, hiểm trở liên tục xảy ra tai nạn thảm khốc như trước đây...
Dân và doanh nghiệp vận tải đang than trời. Chính quyền các tỉnh kiến nghị bất thành thì đến lúc cần Chính phủ, Quốc hội cần vào cuộc, xem xét.
(Nguồn: Báo Lao Động)