Ngày 21/2, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) có thông tin chính thức về việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả sau khi các vướng mắc về tài chính của dự án được các bộ, ngành cam kết giải quyết.
"Quan trọng hơn, nhận thấy lợi ích thực tế từ quá trình vận hành hầm hải Vân 2 mang lại cho người dân, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục 2 ống hầm trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu rất lớn của xã hội’, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhấn mạnh.
Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, sau khi được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho thông xe, ngày 11/1/2021, hầm đường bộ Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã được khánh thành. Với sự quyết tâm từ Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và các bên tham gia, dự án đã đảm bảo chất lượng công trình đúng theo hồ sơ thiết kế với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, hoàn thành hầm Hải Vân 2 sớm gần 3 tháng. Việc hoàn thành hầm Hải Vân 2 sớm, đúng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua.
Mặc dù công trình hạ tầng giao thông Hải Vân 2, tuyến hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á đã chính thức phục vụ xã hội, tham gia tuyến giao thông huyết mạch trên Quốc lộ 1A, góp phần quan trọng cho nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa an toàn của người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, tổng thể dự án vẫn tồn tại những bất cập về tài chính vốn đã kéo dài chưa được tháo gỡ dứt điểm như: Vốn ngân sách nhà nước cam kết tham gia còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án như trong hợp đồng đã ký kết vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thực hiện...
Tại lễ khánh thành hầm Hải Vân 2 ngày 11/1/2021, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã nêu ý kiến và chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng sẽ đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động giúp các phương tiện lưu thông qua Hải Vân, mỗi ống hầm lưu thông hai làn một chiều trong vòng 20 ngày trước và sau Tết Tân Sửu. Cụ thể từ ngày 1/2/2021 (ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý) cho đến hết ngày 21/2/2021 (ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau đó, việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 sẽ được xác định trên cơ sở các tồn tại vướng mắc, trách nhiệm của các bên liên quan theo hợp đồng dự án được giải quyết dứt điểm.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, qua thời gian vận hành hầm Hải Vân 2 trong dịp đón Tết Nguyên đán, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân trong dịp Tết Tân Sửu tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm. Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến.
"Tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình từ 85% đến hơn 95%, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45 km/h lên 65 km/h. Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây”, ông Ngọ Trường Nam thông tin.
Theo Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước cho dự án.
Tại buổi họp ngày 29/1 giữa các bộ, ngành liên quan, các ý kiến đều đánh giá việc bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án là cần thiết để đảm bảo phương án tài chính và thực hiện đầy đủ cam kết của Nhà nước đối dự án, đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí khoản vốn nói trên cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, thời gian gần đây, việc giải quyết các vướng mắc về tài chính của Dự án đã và đang được cơ quan Nhà nước đưa ra phương án cụ thể sớm đi đến dứt điểm vướng mắc trong thời gian tới.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) có tổng vốn đầu tư 21.612 tỷ đồng. Theo hợp đồng BOT được Nhà nước ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, vốn BOT là 16.564 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia là 5.048 tỷ đồng (chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư).
Nhà đầu tư được sử dụng các trạm thu phí An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm 5 tháng. Trong quá trình thực hiện dự án, hạng mục hầm Cổ Mã và đường dẫn được chuyển đổi từ hình thức đầu tư BT sang đầu tư BOT.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng dự án hầm Hải Vân, bao gồm cả ống hầm số 1 và số 2) thông tin, mặc dù hầm Hải Vân 2 được khánh thành ngày 11/1/2021 nhưng do khó khăn về tài chính chưa được giải quyết nên khả năng dự án này chỉ vận hành 20 ngày trước và sau Tết đề chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Cụ thể, đại diện công ty này cho biết, trong khi các vướng mắc về tài chính của dự án đã kéo dài và vẫn chưa được giải quyết; việc đưa dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng… nhưng chủ đầu tư sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các tồn tai và vướng mắc mà dự án đang gặp phải.
(Nguồn: TTXVN)