Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, tiệm cận với nhau.
Sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Sẽ cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TPHCM - cho hay, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - nêu vấn đề, theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động có việc làm phi chính thức của cả nước chiếm trên 65% và lên đến trên 30 triệu lao động. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp cho thực trạng này. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp hiệu quả giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm. Đây là nguồn tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển đất nước.
Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương được ban hành nhưng chưa thể thực hiện vì nguồn lực còn khó khăn do đại dịch và tác động từ tình hình quốc tế. Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết 2026.
"Song song cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp, tiệm cận với nhau", lãnh đạo Chính phủ nói.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo lương cho người lao động. Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương ngoài khu vực Nhà nước cho phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, đại dịch Covid-19 vừa rồi đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng công nghiệp. Chúng ta mất đơn hàng, doanh nghiệp rơi vào khó khăn… Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần phải tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân trên cơ sở thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần nâng cao cái năng suất lao động. Bên cạnh đó, làm tốt công tác an sinh xã hội…
Vẫn còn nhiều cơ quan chưa muốn phân cấp, phân quyền
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp để thực hiện thành công chủ trương này.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo, phát huy tính năng động, sáng tạo các cấp. Thủ tướng thừa nhận việc này vừa qua chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do một số cơ quan trung ương, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong xây dựng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, năng lực cán bộ cũng hạn chế, bất cập, nhất là trong việc lớn, việc mới thì phân cấp, phân quyền còn khó khăn.
Theo Thủ tướng, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ quyền lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới. "Các cấp phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy", Thủ tướng chia sẻ.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng khẳng định, việc phân cấp, phân quyền sẽ được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. "Quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ được hoàn thiện, và xử lý nghiêm các trường hợp né tránh đùn đẩy trách nhiệm", Thủ tướng khẳng định.
(Nguồn: Phụ nữ Việt Nam)