Tỉ lệ gian lận thương mại trên internet sẽ tăng vọt trong 2-3 năm tới

Phan Trang |

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, trong khoảng 2 đến 3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% trong số các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội... đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Tính đến tháng 10 này, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

Với sự tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng, thương mại điện tử dần dần đã trở thành thói quen mới của người tiêu dùng tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Với sự tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng, thương mại điện tử dần dần đã trở thành thói quen mới của người tiêu dùng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, một số thủ đoạn gian lận mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT, tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.

Trong khi đó hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, người tiêu dùng chỉ cần click chuột vào bất kỳ trang TMĐT nào cũng có thể thuận tiện đặt hàng với những mức chiết khấu tốt. Đặc biệt những dịp khuyến mãi kích cầu mua sắm, mức giảm sâu sẽ càng thu hút các "tín đồ" mua sắm online. Theo nghiên cứu của Facebook, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì an toàn và thuận tiện hơn để chuẩn bị cho dịp Tết 2021. 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến và từ xa để gửi quà...

"TMĐT là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong khoảng 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung", ông Trần Hữu Linh dự báo.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng internet.

"Các lực lượng sẽ kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch TMĐT, trên mạng xã hội, chứ không phải đi bắt, đi kiểm tra ở ngoài phố. Vì ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống thì hiện nay cũng thoả thuận trước trên mạng xã hội", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển lành mạnh, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục QLTT và các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT.

Trong đó đặc biệt chú ý đến các nội dung liên quan tới điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh; minh bạch hóa thông tin sản phẩm, quản lý các mô hình kinh doanh mới, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, hoặc hỗ trợ cho TMĐT như kho hàng, chuyển phát, thanh toán… Kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT, từ đó đề xuất kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật.

Mới đây, ngày 25/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động TMĐT nói chung, Nghị định đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT.

Ví dụ như, chủ thể của hoạt động TMĐT theo Nghị định 85 gồm các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động TMĐT. Như vậy, thương nhân, cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn TMĐT nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động TMĐT. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn TMĐT cũng được đề cập đến tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định này.

Bên cạnh đó, người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Như vậy, người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website TMĐT sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.

Liên quan đến trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, Nghị định 85 cũng đã bổ sung thêm quy định mới: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(Nguồn: Chính phủ)

Hàng triệu thiết bị sẽ mất quyền truy cập internet sau ngày 30/9

Lan Anh |

Hàng triệu thiết bị Android, iOS và máy tính Windows sẽ mất quyền truy cập internet vào ngày 30/9 do chứng chỉ gốc kỹ thuật số IdenTrust DST Root CA X3 từ cơ quan cấp chứng chỉ Let's Encrypt (CA) hết hạn.

Người dùng có thể hứng chịu “ngày tận thế Internet” vì bão Mặt trời

Phương Linh |

Một cơn bão mặt trời khắc nghiệt có thể đẩy thế giới vào “ngày tận thế Internet,” khi mà kết nối mạng sẽ bị hỏng trong nhiều tuần hoặc vài tháng ở cùng một thời điểm.

Bộ GD-ĐT đề nghị tăng băng thông, giảm giá cước internet cho học sinh học trực tuyến

N.T |

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hỗ trợ ngành Giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Triệu Vy và nhiều ngôi sao Trung Quốc 'biến mất' khỏi mạng Internet

Mai Nguyễn |

Giới chức Trung Quốc dường như đang tìm cách chấn chỉnh hoạt động giải trí vốn chạy theo thị hiếu số đông, đồng thời định hướng lại thẩm mỹ cho giới trẻ nước này.