Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Xuân Vinh |

Hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 399 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, 38 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 12 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, 15 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng GD&ĐT, nhờ đó chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, tạo nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao. Giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm đúng mức.

Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm, kết quả thi tốt nghiệp học sinh tỉnh Quảng Trị ngang bằng hoặc có năm cao hơn tỉ lệ chung của toàn quốc. Đã có hàng chục nghìn học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở cả 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT. Tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng được đánh giá nằm trong tốp cao của cả nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn như cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối, thừa, thiếu cục bộ ở một số địa phương. Nhiều địa phương chưa đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên, tinh giản biên chế còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở giáo dục cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đạt mức tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục các cấp học, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một buổi tham quan trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Triệu Thành -Ảnh: B.N
Một buổi tham quan trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Triệu Thành -Ảnh: B.N

Việc tích hợp các môn học ở cấp THCS còn tạo ra khó khăn trong việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự vững chắc. Chất lượng phổ cập giáo dục THCS chưa vững chắc ở một số xã vùng khó thuộc các huyện: Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS hằng năm còn thấp. Một số đơn vị chưa tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, công tác dạy học vẫn còn chưa đồng bộ.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, nguyên nhân là do quy mô phát triển mạng lưới trường lớp, học sinh thường xuyên biến động nên nhu cầu về số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên có sự thay đổi. Đối với cấp tiểu học, quy mô học sinh trong những năm gần đây ngày càng tăng và quy định học 2 buổi/ngày dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng cao.

Một số địa bàn, đặc biệt là khu vực miền núi, mật độ dân cư nhỏ, phân tán, dẫn đến quy mô trường lớp nhỏ, có nhiều điểm trường lẻ, gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp giáo viên. Việc giải thể, sáp nhập các trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gây khó khăn cho công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cũng như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sau khi sáp nhập. Kinh phí đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế khi triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

Một trong những giải pháp được Sở GD&ĐT xác định để nâng cao chất lượng GD&ĐT đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp. Kịp thời bổ sung, điều chuyển hợp lý giáo viên ở các cấp học, nhất là ở cấp học mầm non. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, đạo đức lối sống, tác phong của nhà giáo, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.

Cùng với đó, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới và hệ thống GD&ĐT của tỉnh cũng như đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Thực hiện tốt đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đổi mới công tác quản lý giáo dục bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về GD&ĐT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập. Tăng cường công tác thanh tra kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục. Tổ chức dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa.

Mặt khác, Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo cơ sở giáo dục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, tích cực. Theo đó, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống; gắn hoạt động dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá kết quả GD&ĐT bảo đảm trung thực, khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt chủ trương đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và các trường THPT theo hướng kết hợp đánh giá quá trình học và kết quả từng giai đoạn, phù hợp tình hình địa phương, giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội. Tổ chức các kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo khách quan, phản ánh đúng chất lượng, tác động tích cực đến việc dạy và học.

Thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tăng cường triển khai tự đánh giá, nhất là việc đánh giá ngoài cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng GD&ĐT đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Một giải pháp nữa đó là đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tập trung thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Tin học- Ngoại ngữ tỉnh trong việc liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, đa dạng hóa các loại hình, phương thức đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tỉnh Quảng Trị đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2

Nguyễn Vinh |

Hôm nay 17/5, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm việc với Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) tỉnh để kiểm tra PCGD tiểu học mức độ 3, XMC mức độ 2 tại tỉnh Quảng Trị năm 2022. Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, trưởng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT Trịnh Hoài Thu; Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCGD, XMC tỉnh Lê Thị Hương chủ trì buổi làm việc.

Bạo lực học đường: Hệ lụy của việc lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người

Thanh Mai |

Đại biểu Quốc hội cho rằng ngành giáo dục cần phải làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề BLHĐ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023

PV |

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 1919/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.

Khai thác tiềm năng du lịch giáo dục

Bảo Bình |

Trên cơ sở kết nối các điểm di tích lịch sử và những điểm đến đang được giới trẻ yêu thích ở khu vực miền Tây Quảng Trị, thời gian qua, tour du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục đã thu hút một lượng khách tương đối lớn, nhất là học sinh các trường học trên địa bàn.