Trầm lắng thị trường mặt bằng cho thuê

Thu Hạ |

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thời trang, ăn uống trên địa bàn tỉnh. Thu không bù đủ chi, một số cơ sở kinh doanh đã phải trả lại mặt bằng, treo biển sang nhượng hoặc thanh lý toàn bộ cửa hàng.


Trước đây, các tuyến đường tại TP. Đông Hà như: Hùng Vương, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Trãi, Quốc lộ 9… luôn nhộn nhịp, tấp nập các hoạt động kinh doanh với đủ mọi loại hình, mặt hàng khác nhau. Mặt bằng kinh doanh ở những con đường này cũng được giới kinh doanh tìm thuê và hiếm khi bỏ trống. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, đi dọc các tuyến đường này, không khó để bắt gặp những ki-ốt đóng cửa im lìm và treo biển thông báo sang nhượng hoặc cho thuê.

Một mặt bằng đang để biển cho thuê tại tuyến đường Hùng Vương, TP. Đông Hà - Ảnh: H.T
Một mặt bằng đang để biển cho thuê tại tuyến đường Hùng Vương, TP. Đông Hà - Ảnh: H.T

Theo các chủ cửa hàng, chủ cho thuê ki-ốt, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh doanh ảm đạm những tháng vừa qua, doanh thu thấp, thua lỗ, nhiều chủ cửa hàng không trụ nổi đã nghỉ bán, trả ki-ốt, chuyển sang kinh doanh online hoặc chuyển đến những địa điểm xa trung tâm với giá thuê thấp hơn. Ngoài ra, nhiều người lo ngại việc bỏ tiền ra đầu tư trong lúc sức mua đang chững lại cũng như phải “gánh” lãi suất ngân hàng, tiền nhân viên, tiền thuế mà không có khách nhiều nên đã trả lại mặt bằng hoặc tìm nơi khác rẻ hơn để kinh doanh.

Bên cạnh đó, có nhiều chủ cửa hàng hướng đến kinh doanh online để giảm chi phí, kéo theo tình trạng mặt bằng cho thuê kinh doanh khá trầm lắng. Chị Thu Quỳnh, chủ một tiệm thời trang trên đường Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà cho biết, hơn 1 tháng nay, chị phải giảm giá 30-50% tất cả các sản phẩm để đóng cửa vì bắt đầu từ tháng 8, chủ nhà đòi tăng thêm 1 triệu đồng mỗi tháng tiền thuê mặt bằng.

Chị Quỳnh không kham nổi mức giá đó nên tính thanh lý hết số hàng đã nhập rồi trả cửa hàng, không bán nữa. “Như những đợt trước, để câu khách, tôi chỉ giảm 10-20%. Lần này, có những mặt hàng giảm tới 50%, gần như bằng giá nhập vào nhưng vẫn chưa bán hết. Trước mắt, tôi sẽ chuyển hàng hóa về nhà để tiếp tục tìm cách bán cho hết hàng, thu hồi vốn rồi chuyển sang công việc khác”, chị Quỳnh nói.

Anh L.B.T., chủ một cửa hàng từng có thời gian thuê mặt tiền rộng để kinh doanh cà phê trên đường Lê Hồng Phong, Phường 5, TP. Đông Hà chia sẻ, giá cho thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm hiện nay rất cao, dẫn đến nhiều người phải chuyển hướng kinh doanh. Trước đây, anh T. thuê mặt bằng rộng khoảng 100 m2 ở đường Lê Hồng Phong với giá 15 triệu đồng/tháng để kinh doanh cà phê, đồ uống.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của COVID-19 suốt một thời gian dài khiến hoạt động kinh doanh của anh gặp nhiều khó khăn. Sau dịch, do chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong khi giá cả nguyên liệu đều tăng từng ngày, nguồn thu không thể bù lại được chi phí, vốn cũng từ đó mà giảm dần. Đến bây giờ thì không thể kham nổi được nên anh T. đành phải chấp nhận đóng cửa, trả mặt bằng.

“Tổng chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, nhân viên, thuế… của quán khoảng 30 triệu đồng/tháng. Thu không bù được chi nên tôi đành phải đóng cửa để chuyển đến địa điểm khác dù trước đó đã bỏ ra một khoản không nhỏ để đầu tư nội thất, trang trí quán”, anh T. cho biết.

Không chỉ các chủ cửa hàng, hiện nay, nhiều chủ mặt bằng cho thuê để kinh doanh cũng đang “ngóng” người đến thuê, thậm chí họ sẵn sàng giảm 10- 15% giá cho thuê, đồng thời “nới” các điều khoản hợp đồng nhằm tìm đối tác thuê dài hạn nhưng tình hình vẫn khá ảm đạm.

Ông Phan Công Thanh, chủ của mặt bằng rộng gần 200 m2 ở khu vực sầm uất nhất của tuyến đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị cho biết: “Những năm trước, mặt bằng này tôi cho thuê với giá từ 16 - 17 triệu đồng/tháng, thế nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, dù đã giảm giá thuê xuống 13 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa tìm được người thuê ưng ý. Không chỉ mặt bằng của gia đình tôi mà dọc tuyến đường này hiện đang có nhiều mặt bằng treo biển cho thuê để kinh doanh cũng đang bỏ trống do nhu cầu thuê mặt tiền rộng khu vực trung tâm hiện nay khá thấp ”.

Còn đối với chị Q.N., chủ mặt bằng cho thuê trên đường Hùng Vương, TP. Đông Hà thì chia sẻ, tháng 5/2023, khách thuê của chị trả lại mặt bằng do kinh doanh quán trà sữa không thuận lợi. Sau khi nhận lại mặt bằng, chị đã trải qua rất nhiều tháng vẫn chưa có người thuê.

Để sớm có khách, chị N. đã nhiều lần giảm giá cho khách thuê từ 5% rồi 10% nhưng vẫn chưa có khách hàng nào chốt. “Nếu trước kia khi chưa kịp rao cho thuê thì đã có người liên hệ trước, còn nay dù đã treo biển gần 3 tháng vẫn chưa thấy khách nào ký hợp đồng. Gia đình tôi đang tính đầu tư sửa chữa lại mặt bằng này để khách hàng có thể thuê làm văn phòng đại diện hoặc mở các trung tâm dạy học”, chị N. cho biết.

Hiện nay, xu hướng kinh doanh trực tuyến với nhu cầu chỉ cần một mặt bằng nhỏ đủ để hoạt động dần được khách thuê lựa chọn hơn là việc phải thuê một mặt bằng lớn, đắt đỏ. Từ việc giảm thiểu được chi phí cố định, các chủ cơ sở kinh doanh này chiết khấu trực tiếp vào giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều mặt bằng cho thuê khu vực trung tâm hiện đang bỏ trống.

Mặt khác, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, đa số người dân đều đã có điện thoại thông minh để sử dụng, làm việc, nên việc trải nghiệm, mua sắm trên môi trường trực tuyến rất phổ biến, tiện dụng. Do đó, chủ các cơ sở kinh doanh muốn tăng trưởng doanh thu thì cần phải nỗ lực nghiên cứu thị trường, tìm các phương thức kinh doanh mới, linh hoạt hơn để thích ứng với thói quen tiêu dùng ngày càng thay đổi của khách hàng. Bên cạnh đó, để hài hòa lợi ích thì thời điểm này, chủ cho thuê và người thuê nên thương lượng về mức giá và các điều khoản trong hợp đồng một cách hợp lý để mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tháo gỡ vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ

Trần Tuyền |

Ngày 26/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương chủ trì cuộc họp để nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Gấp rút giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Lê Minh |

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tổ chức thi công dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn I), địa phương đã gấp rút thực hiện các công việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đồng thời thành lập các tổ công tác để vận động Nhân dân ủng hộ dự án, sớm bàn giao mặt bằng.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Hà Trang |

Ngày 2/4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cấp tỉnh để xem xét, thống nhất giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của các tổ công tác đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB của các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Công tác giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Hà Trang |

Ngày 9/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cấp tỉnh để triển khai một số nội dung và phân công nhiệm vụ cho các thành viên.