Dư luận đang bàn luận sôi nổi liên quan đến đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ.
Ngày 6/3, trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại diện trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.
Nhà trường cho rằng, theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao. Nhà trường đề xuất chỉ quy định khung điểm là 0,5, đồng thời đề nghị tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, đề xuất này đã ngay lập tức gây nên nhiều tranh cãi trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: "Tiêu chí để được công nhận là Tiến sĩ, Thạc sĩ và tiêu chuẩn để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú rất khác nhau. Định tính, định lượng của hai thứ này cũng khác nhau. Mục đích của việc công nhận và phong tặng cũng khác nhau. Một đằng là học vị, một đằng là danh hiệu. Một đằng là giảng dạy, nghiên cứu; một đằng là sáng tác, biểu diễn. Một đằng là "dùi mài kinh sử", một đằng là năng khiếu cộng với lao động nghệ thuật... Khác nhau như thế nên không thể tính điểm tương đương bằng nhau, làm thế có khác gì đem thước đo độ dài là met tính tương đương với cân nặng là kilogam".
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng việc đề xuất trên sẽ tạo nên sự lệch chuẩn và tùy tiện. Nếu đề xuất này thành hiện thực thì từ lệch chuẩn sẽ dẫ đến loạn chuẩn các giá trị tinh thần.NSND Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, việc đề xuất các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo có thể chấp nhận được trong phạm vi các trường Đại học, Cao đẳng có lĩnh vực đào tạo về những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Múa rối… Và việc này chỉ áp dụng đối với lĩnh vực đào tạo chứ không liên quan đến lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
"Chúng ta biết rằng, hiện nay, ở các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang rất thiếu các giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhiều trường phải mời các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú từ các đoàn nghệ thuật vào giảng dạy. Và việc xin cơ chế đặc thù ở đây chính là chấp nhận tính cơ chế hoàn thành nhiệm vụ của các giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tương đương như các giảng viên có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ để nhà trường đủ chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây cũng là một sự linh hoạt để hỗ trợ cho những khó khăn của việc đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống đã tồn tại từ lâu. Còn việc này không thể áp dụng đại trà ở các lĩnh vực khác và càng không đánh đồng Tiến sĩ, Thạc sĩ là tương đương với Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và ngược lại", NSND Vương Duy Biên bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Thi - hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - cho biết không phải đề xuất tất cả nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho nghệ sĩ nhân dân giảng dạy ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tương đương tiến sĩ để đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 tiến sĩ.
Theo ông Thi, đề xuất này đã được đưa ra từ hơn một năm nay, khi nhà trường và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo nghị định quy định về công tác đào tạo chuyên sâu đặc thù, để áp dụng cho những khối văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Trong buổi làm việc cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 6-3, nhà trường đã nêu lại kiến nghị này.
"Giảng viên có học vị thì tốt rồi. Tuy nhiên song song với đó nhà trường cần nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn cho sinh viên làm nghề. Hiện nay quy định mỗi ngành phải có 5 tiến sĩ với một trường đào tạo nghệ thuật là rất khó. Trong khi các nghệ sĩ nhân dân rất cần thiết với trường.
Chúng tôi đề xuất giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân tương đương học vị tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí cần 5 tiến sĩ theo quy định trên khi mở ngành đào tạo, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo và xác định chỉ tiêu về đội ngũ cho các ngành theo thông tư 08 của Bộ Giáo dục - Đào tạo", ông Thi nói.
Ông cho biết thêm, đề nghị tính tương đương là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhưng những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú không tham gia vào các hội đồng chấm luận văn, luận án này để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng học vị tiến sĩ, thạc sĩ với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là hai loại tiêu chuẩn khác nhau không áp dụng thay cho nhau được.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Công nghệ Sydney (Úc), nghệ sĩ nhân dân là một danh hiệu hay tước hiệu có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Quy chế hiện hành quy định danh hiệu này được trao tặng hay phong cho những nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. Còn tiến sĩ là một bằng cấp do một đại học cấp sau khi đương sự đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Người được cấp bằng tiến sĩ phải trải qua 3 năm học hành và nghiên cứu. Nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành.
Nghệ sĩ nhân dân không phải học trong môi trường khoa bảng, còn tiến sĩ phải qua đào tạo trong môi trường khoa bảng. Nghệ sĩ nhân dân không cần viết luận án và bảo vệ luận án, tiến sĩ phải thực hiện hai việc đó.
“Xét về mức độ ảnh hưởng tôi nghĩ nghệ sĩ nhân dân có ảnh hưởng hơn nhiều so với đa số tiến sĩ”- GS Tuấn nói.
"Một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ nhưng có thể suốt đời không bao giờ đạt được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Ngược lại một nghệ sĩ nhân dân không có bằng cấp thì không thể là tiến sĩ. Do vậy đề xuất ra ý tưởng này hiểu sai về bản chất của hai thực thể. Không nên và không thể xem nghệ sĩ nhân dân tương đương với tiến sĩ. Nếu cần thì nên ban hành quy chế về bằng ‘tiến sĩ danh dự’, chứ không thể đánh đồng nghệ sĩ nhân dân là tiến sĩ được"- GS Tuấn thẳng thắn.
(Nguồn: Phụ nữ mới)