“Việc nhẹ lương cao” - trò lừa cũ, nạn nhân mới

Thủy Ba |

Nhờ sự phối hợp của lực lượng chức năng Việt Nam và Philippines, 4 người dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị lừa sang nước ngoài làm việc vừa được bảo hộ về nước. Được biết, những người này làm quen với một số đối tượng lạ thông qua các trang mạng xã hội, website tìm kiếm việc làm. Sau đó, các đối tượng đã đưa 4 người nói trên xuất cảnh trái phép sang Philippines với lời hứa hẹn sẽ mang đến cho họ công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, thực chất đây là chiêu trò lừa đảo vì cả 4 người đều bị ép đưa vào làm việc tại các công ty, casino lừa đảo trực tuyến tại Philippines.

Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tuy không mới nhưng nạn nhân sập bẫy thì ngày càng tăng. 4 nạn nhân nói trên không phải là những trường hợp đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị sập bẫy này.

Tại các huyện miền núi của tỉnh đã từng xảy ra một số trường hợp người dân bị lừa đảo với chiêu trò như trên, sau đó bị bán sang Trung Quốc, Campuchia. Mới đây nhất, vào tháng 6/2023, một cô gái trú tại xã Avao, huyện Đakrông, được lực lượng chức năng tiếp nhận, đưa về đoàn tụ với gia đình sau 5 năm bị bán sang Trung Quốc.

Vào năm 2019, trong thời gian đang làm tại Bình Dương, cô gái này bị một đối tượng làm cùng công ty hứa hẹn đưa ra Hà Nội bán áo quần với mức lương cao. Do thiếu hiểu biết nên cô đã đồng ý và bị các đối tượng dẫn bán qua Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 6/2022, Công an huyện Đakrông tiếp nhận thông tin và phối hợp tìm kiếm 2 trường hợp ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, bị đối tượng xấu lừa giới thiệu việc làm rồi bán sang Campuchia.

Cả hai thanh niên này đều ở độ tuổi 20, rời bản làng vào tỉnh Bình Dương để làm việc. Thông qua mạng xã hội zalo, cả hai quen biết với một người có tài khoản là “Phan Anh” rồi được người này rủ lên TP. Hồ Chí Minh làm việc với mức lương cao.

Sau khi lên TP. Hồ Chí Minh, cả hai bị nhóm của “Phan Anh” đưa sang Campuchia làm việc, đồng thời ra yêu cầu nếu muốn về Việt Nam thì gia đình mỗi người phải chuyển vào tài khoản chúng số tiền 85 triệu đồng.

Tại Hướng Hóa, vào tháng 5/2022, một thanh niên ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa thông qua mạng xã hội được tuyển dụng lao động vào Tây Ninh làm việc với mức lương cao. Tuy nhiên, khi thanh niên này vừa vào tới Tây Ninh đã bị đối tượng xấu lừa đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch và bán cho một công ty.

Điều đáng nói là chiêu trò này đã từng bị cơ quan chức năng phát hiện, lật tẩy và nhiều nạn nhân là người trong cuộc đã lên tiếng cảnh báo để người khác không sập bẫy giống mình.

Tại các địa phương xảy ra trường hợp người dân bị lừa sang làm việc ở nước ngoài, chính quyền đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thông tin, tuyên truyền rộng rãi, khuyến cáo người dân thận trọng trước thủ đoạn của các đối lượng lừa đảo.

Tuy nhiên, nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này ngày càng tăng. Đánh đúng tâm lý của nhiều người muốn tìm việc làm ổn định, thu nhập tương đối, rất nhiều trang web “việc cần người” xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Bẫy “việc nhẹ, lương cao” đánh vào những người thất nghiệp, người dân ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên dễ bị cuốn theo những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng.

Dính vào bẫy này, một là bị lừa mất tiền như “sập bẫy” chiêu trò làm cộng tác viên online cho các công ty, sàn thương mại điện tử; hai là bị bán sang nước ngoài, chịu cảnh lao động cực nhọc nhưng không có tiền lương hoặc chỉ được trả lương ít ỏi.

Ở hình thức lừa đảo thứ nhất, có rất nhiều người bị sập bẫy, mất một khoản tiền lớn nhưng khó bắt được thủ phạm bởi thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

Sau những lời dụ dỗ, mời gọi hấp dẫn như “kiếm tiền online dễ dàng”; hoa hồng cao, lương trả ngay trong ngày; “ngồi nhà lướt video tiktok kiếm tiền triệu”; “chỉ cần làm 2-3 giờ bỏ túi 200-400 ngàn đồng/ngày”... là những cái bẫy được giăng sẵn.

Những lời quảng cáo hấp dẫn này thu hút rất nhiều người nhận lời làm việc và dần bị các đối tượng dẫn dắt, trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên không gian mạng.

Thời gian đầu, đối tượng lừa đảo gây dựng niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ. Sau đó, nạn nhân được giao thêm nhiệm vụ với lời hứa hẹn được nâng mức lương.

Lúc này, các đối tượng bắt đầu thực hiện các chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo này mới so với các hình thức lừa đảo trên mạng đã phổ biến như chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng... Do thiếu nhận thức và mất cảnh giác nên nhiều người dễ dàng sập bẫy các chiêu lừa đảo này.

Ở hình thức lừa đảo thứ hai, trên địa bàn tỉnh chủ yếu rơi vào một số người dân ở các huyện miền núi. Hình thức lừa đảo này cũng xuất hiện hầu khắp các địa phương trong cả nước. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân nâng cao cảnh giác thì việc khuyến khích, tạo việc làm thu hút lao động tại địa phương là giải pháp khả thi.

Hiện nay, các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được các địa phương trong tỉnh thực hiện khá hiệu quả. Riêng đối với người dân tộc thiểu số khi học nghề được hỗ trợ 100% học phí, tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập...

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn miền núi trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, các địa phương cần đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, đào tạo nghề theo nhu cầu người học, nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Hiện nay, một trong những hạn chế của công tác đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số là người dân chưa nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề đối với bản thân và cộng đồng. Do đó, cần nâng cao nhận thức để người dân thấy được việc học nghề là nhu cầu cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.

Trên thực tế không thể có một công việc nhàn rỗi, ít đòi hỏi trình độ nhưng được trả lương cao. Cũng từ thực tế chứng minh nhiều người phải trả cái giá rất đắt vì “nhẹ dạ cả tin”, sa vào cái bẫy đã được giăng sẵn.

Vì vậy, ngoài việc nâng cao ý thức cảnh giác, người dân cần thường xuyên cập nhật, tìm hiểu về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Nếu nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, cần liên hệ ngay đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giúp cải thiện đời sống cho người lao động

Nguyễn Vinh |

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 60.000 người lao động (NLĐ), trong đó có 41.549 đoàn viên công đoàn, chiếm 75%, riêng khu vực doanh nghiệp (DN) có 13.623 người.

Đội Công đoàn ngành Y tế đồng giải Ba Giải Bóng chuyền nam công nhân, viên chức, lao động năm 2023

Bội Nhiên |

Tham gia Giải Bóng chuyền nam công nhân, viên chức, lao động Khối thi đua Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Trị chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Trị lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 9/9/2023 đến ngày 10/9/2023 tại Nhà Thi đấu thể thao thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị, đội bóng chuyền nam Công đoàn ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã được xếp thứ hạng đồng giải Ba với đội bóng Công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo.

Người lao động Quảng Trị hướng đến thị trường Hàn Quốc

Minh Thảo |

Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Trong những năm gần đây, thị trường này tiếp tục ghi nhận nhiều người lao động Việt Nam, trong đó có lao động Quảng Trị, lựa chọn để làm việc theo hợp đồng. Theo công bố của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, năm 2023, nước này có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Đi làm ngày Lễ Quốc khánh 2/9, người lao động được trả lương thế nào?

Thanh Mai |

Không phải người lao động nào cũng được nghỉ trọn vẹn 4 ngày, có những người lựa chọn hoặc bắt buộc phải đi làm vào dịp lễ do công việc