Trước lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương và phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông từ ngày 1/5 đến 16/8/2023, với sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tích cực từ các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nên hiện nay ngư dân đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn vững vàng ra khơi bám biển theo mô hình tổ, đội để có thể tương trợ lẫn nhau lúc xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn khai thác hải sản, đồng thời chung sức giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Buổi chiều một ngày cuối tháng 5/2023, tại cảng cá Nam Cửa Việt, những chiếc tàu công suất lớn của Tổ đội đánh bắt xa bờ xã Triệu An, huyện Triệu Phong tranh thủ tiếp nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm, đá lạnh và những thứ cần thiết khác để chuẩn bị đạp sóng ra khơi hướng về ngư trường Hoàng Sa. Anh Nguyễn Văn Luận, (44 tuổi), chủ tàu mang số hiệu QT-90063 ở thôn Phú Hội, xã Triệu An cho biết, sau khoảng nửa tháng bảo dưỡng và nghỉ ngơi, tàu của anh và 7 tàu khác của Tổ đội đánh bắt xa bờ xã Triệu An lại tiếp tục đợt hành trình mới vươn khơi dài ngày.
Cẩn thận kiểm tra lại hệ thống giám sát tàu cá trước khi nhổ neo trực chỉ hướng biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Luận nói rằng, chuyến ra khơi này thuyền của anh dự kiến đánh bắt khoảng nửa tháng ở ngư trường Hoàng Sa.
Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý và bất hợp pháp của phía Trung Quốc mới đây, anh Luận khẳng định: “Việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là bất hợp pháp và phi lý, nên ngư dân chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, đánh bắt đúng ngư trường hợp pháp, đúng vùng biển của Việt Nam, không xâm lấn vùng biển nước khác để vừa phát triển kinh tế vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi cũng đánh bắt theo mô hình tổ, đội nhằm hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau khi xảy ra các sự cố trên biển”.Tàu cá đánh bắt xa bờ của anh Luận được anh thừa kế từ người cha của mình là ông Nguyễn Văn Giới (70 tuổi), hiện đã nghỉ đi biển. Tàu này đóng vào năm 2000, có công suất 800 CV, đủ sức vươn khơi đánh bắt dài ngày ở những vùng biển xa.
Theo anh Luận, bình quân mỗi chuyến đánh bắt gần đây, sau khi trừ các chi phí, tàu của anh chia cho 6 nhân công đi biển được khoảng 15 triệu đồng/người. Mỗi năm, tàu của anh cũng như nhiều tàu đánh bắt xa bờ khác đánh bắt liên tục trong 6 tháng mùa biển êm (từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch), khai thác các loại hải sản phổ biến như cá ngừ, cá sòng, cá hố, cá chù, mực...
Dù đã nghỉ đi biển nhưng ông Giới, nguyên là Tổ trưởng Tổ đội đánh bắt xa bờ xã Triệu An vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các tàu cá trong tổ khi thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm, làm đầu mối giữ liên lạc phía bờ với các tàu đánh bắt ngoài khơi.
“Hiện nay các tàu đa số được trang bị các thiết bị giám sát hành trình hiện đại nên dễ dàng kết nối với nhau, hỗ trợ nhanh chóng cho nhau khi xảy ra sự cố như hỏng máy tàu, gặp bão tố, bị tàu lạ gây hấn, phá ngư lưới cụ và xua đuổi… Hầu hết các tàu cá trong tổ đều nắm rõ ngư trường hợp pháp để đánh bắt đúng quy định. Cùng với đó, các tàu trong tổ được sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ và tuyên truyền kịp thời, thường xuyên của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, các cơ quan chức năng nên yên tâm bám biển đánh bắt”, ông Giới cho biết.
Cũng như ông Luận và nhiều chủ tàu xa bờ khác, ông Võ Văn Trung, chủ tàu QT-92096 ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh luôn vững tin và quyết tâm bám biển. Trước mỗi chuyến ra khơi, ông Trung đều cam kết chấp hành các quy định về khai thác hải sản và duy trì tổ đội tàu thuyền tự quản, đoàn kết nhằm đánh bắt hiệu quả trên biển.
Ông Trung cho biết: “Tổ đội chúng tôi gồm có 6 chiếc tàu, mỗi chuyến ra khơi đều đi thành từng đoàn để dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Mỗi khi tàu nào gặp sự cố thì các tàu còn lại sẽ giúp đỡ, đồng thời liên lạc với các lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ thêm. Đánh bắt theo tổ đội và được sự quan tâm hỗ trợ của các lực lượng chức năng, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm”.
Để ngư dân vững vàng vươn khơi bám biển, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển đã hướng dẫn cho ngư dân biết về chủ quyền của vùng biển Việt Nam; tăng cường giám sát hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên các vùng biển, thực hiện quản lý chặt chẽ tàu cá xuất, nhập lạch… đồng thời khuyến khích ngư dân phát huy vai trò của các tổ, đội đánh bắt đoàn kết trên biển.
Thiếu tá Lê Bình An, Chính trị viên Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhấn mạnh: “Để hỗ trợ kịp thời và củng cố niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển, đơn vị chúng tôi đã tích cực phối hợp, tham mưu chính quyền địa phương thành lập các tổ tàu thuyền an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt trên biển, không xâm phạm vùng biển nước ngoài; đề nghị ngư dân thường xuyên thông tin kịp thời tình hình trên biển cho lực lượng biên phòng và các lực lượng khác. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, hỗ trợ các hoạt động hợp pháp cho ngư dân trên vùng biển”.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 2.286 tàu cá, với trên 110 tổ tự quản tàu thuyền. Phát huy hiệu quả của mô hình tổ, đội tự quản tàu thuyền đã và đang góp phần giúp ngư dân tự tin, yên tâm khi ra khơi đánh bắt hải sản; đồng thời khẳng định, bảo vệ ngư trường truyền thống và an ninh trật tự trên vùng biển của Tổ quốc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)