Xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người cao tuổi không ở cùng con cháu. Bên cạnh những người cao tuổi buộc phải sống một mình vì hoàn cảnh thì ngày càng có nhiều người chủ động ở riêng. Lựa chọn này góp phần giảm bớt khoảng cách thế hệ trong gia đình, người trẻ được sống tự do, còn người già thì tìm được niềm vui, sự thoải mái riêng.
Sau khi dựng vợ, gả chồng cho các con xong thì bà Đỗ Thị Phương (72 tuổi), ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong sống một mình ở quê. Bà Phương có 3 người con, trong đó 2 người sống và làm việc ở Đà Nẵng, người con gái út lập gia đình sinh sống ở TP. Đông Hà.
Bà cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại vì vẫn còn sức khỏe để trồng trọt, chăn nuôi, không phụ thuộc con cháu. “Lúc nào già yếu không thể tự lo cho bản thân được nữa rồi tính chứ hiện tại tui còn khỏe, tự chăm lo cho bản thân được. Ở quê quen với không khí thoáng mát, ngày ngày có hàng xóm qua lại bầu bạn với nhau nên dù ở một mình tui vẫn thấy rất thoải mái và vui vẻ”, bà Phương nói.
Chị Lê Thị Vinh là con gái của bà Phương hiện đang trú tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà. Chị kể không chỉ mẹ chị ở một mình mà ba mẹ chồng cũng nhất quyết ở quê chứ không chịu vào chung sống với vợ chồng chị (chồng chị Vinh là con trai đầu trong gia đình có 5 anh em). “Mẹ tôi sống ở vùng thấp trũng nên cứ đến mùa mưa là bị ngập lụt.
Năm nào nhà cũng bị ngập lụt 2, 3 lần nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết bám trụ ở quê. Con cháu thuyết phục mãi không được nên năm rồi chị em tôi quyết định cùng nhau góp tiền để xây nhà có gác tránh lũ cho mẹ”, chị Vinh bộc bạch.
Đối với ba mẹ chồng, chị Vinh kể thỉnh thoảng ông bà vào thăm con cháu rồi về chứ nhất quyết không ở lại vì cho rằng ở đây con cháu đều đi làm, đi học, vườn tược không có nên ngồi không cả ngày rất buồn chán. “Tôn trọng ý kiến của ông bà nội ngoại hai bên nên vợ chồng tôi phải chấp nhận.
Đến ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ, Tết chúng tôi thường đưa các con về quê thăm ông bà. Tuy nhiên, nhà nội ở Gio Linh, còn nhà ngoại thì ở Triệu Phong nên phải thay phiên nhau. Ví dụ cuối tuần này đi ngoại thì cuối tuần sau đi nội. Tuy nhiên, người già cũng dễ tổn thương, nhiều khi về quê mà không kịp ở lại ăn cơm với ông bà là bị trách móc, hờn dỗi liền”, chị Vinh chia sẻ.
Chồng mất hơn 15 năm nay, bà Lê Thị Dy (68 tuổi), ở xã Gio An, huyện Gio Linh, một mình nuôi 4 người con ăn học.
Đến nay, các con bà đều làm việc và lập gia đình xa nên nhiều năm nay bà sống một mình ở quê. Thỉnh thoảng nhớ cháu, bà đón xe lên thành phố chơi vài hôm rồi về. “Con thì bận rộn công việc, các cháu đều ở tuổi đi học nên có ở với chúng thì cũng phải ở nhà một mình cả ngày.
Trong khi ở quê có hàng xóm bầu bạn, với lại tôi còn sức khỏe nên chăm sóc vườn tược, trồng rau, trồng hoa cũng có thu nhập, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Còn việc không có người lo lắng lúc trái gió trở trời, tôi nghĩ cuộc sống hiện đại bây giờ cũng không quá đáng sợ. Điện thoại luôn có sẵn, cần thì liên lạc là được, lo gì”, bà Dy chia sẻ.
Theo số liệu Chi cục Dân số Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 117.238 người cao tuổi, chiếm trên 17,6% dân số địa phương. Trong đời sống xã hội hiện đại, xu hướng người già không ở cùng con cháu tăng nhanh do nhóm người trong độ tuổi lao động di cư đến các đô thị lớn để học tập, làm việc ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng một bộ phận người cao tuổi, nhất là người có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu trí hằng tháng chủ động ở riêng.
Ở chiều ngược lại, một bộ phận người trẻ khi lập gia đình cũng muốn sống riêng vì nhiều lý do khác nhau. Người già ở chung hay ở riêng với con cháu còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, khi người cao tuổi muốn ở riêng cần chuẩn bị kỹ về mọi mặt như tích lũy tài chính, có sức khỏe để chăm sóc bản thân, tự chủ trong cuộc sống hằng ngày. Quan trọng nhất là tạo được niềm vui cho mình và tâm lý thoải mái cho con cháu. Dù ở riêng hay ở chung, con cháu vẫn phải hiếu nghĩa với cha mẹ và gia đình là chỗ dựa tinh thần của mỗi thành viên.
Có một thực tế là hiện nay ở khu vực đô thị tập trung nhiều người cao tuổi có lương hưu, tự chủ về tài chính.
Nơi đây cũng có nhiều địa điểm, hoạt động giải trí phù hợp với người già hơn ở khu vực nông thôn. Vì thế, người cao tuổi ở nông thôn cần được quan tâm chăm sóc hơn cả về thể chất tinh thần. Trong đó cần đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa ở thôn, xóm nhằm tạo các sân chơi, hoạt động cộng đồng phù hợp, giúp người già sống vui, sống khỏe và sống có ích.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)