Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã thổi luồng gió mới cho kinh tế khu vực nông thôn tỉnh Quảng Trị. Nhờ có OCOP mà nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản từ làng xã đã bước ra thị trường với chất lượng đạt tiêu chuẩn, giải quyết được nhu cầu lao động và sử dụng lao động ở các vùng nông thôn.
Đầu năm 2023, số sản phẩm OCOP ở Quảng Trị đã tăng lên 119 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng Trung ương đề nghị OCOP 5 sao) và 77 sản phẩm 3 sao.
Theo Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị, bao bì và nhãn mác các sản phẩm OCOP hiện nay đã có tính thẩm mỹ ngày càng cao. Chủ cơ sở sản xuất cũng đã chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để tăng giá trị sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng.
Trong tổng số 119 sản phẩm OCOP của Quảng Trị, có gần một nửa sản phẩm từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng, an xoa…
Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp tỉnh Quảng Trị đa dạng hóa sản phẩm và cung ứng giá thành phù hợp.
Để sản phẩm OCOP nói chung và các sản phẩm OCOP có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu nói riêng vươn xa ra thị trường thế giới, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Đề án "Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình OCOP". Từ chủ trương này, nhiều sản phẩm dược liệu đang từng bước vươn ra thị trường thế giới, khẳng định được thương hiệu.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)