Cùng người dân miền núi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Trần Cát Linh |

Nhằm từng bước nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

 
 Mô hình trồng cây chuối tiêu hồng ở xã A Ngo, huyện Đakrông cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: T.C.L
      

Dựa vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng các mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh, đồng thời kết nối tiêu thụ để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm từ các mô hình. Những nhóm mô hình được trung tâm chú trọng xây dựng trên địa bàn các huyện miền núi là chuyển giao kỹ thuật về trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp canh tác theo hướng hữu cơ, mô hình nông - lâm kết hợp.

Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện Đakrông là một điển hình về sự thành công trong chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình với phương pháp “cầm tay chỉ việc” các công đoạn thiết kế vườn cây, làm đất, xử lý đất, đào hố, bón phân lót, triển khai trồng, chăm sóc, tỉa chồi, ngắt hoa, bao buồng quả... Giống, vật tư, phân bón được trung tâm hỗ trợ. Gia đình ông Hồ Văn Tia, ở thôn A Ngo được chọn tham gia mô hình thí điểm thâm canh chuối tiêu hồng an toàn thực phẩm với diện tích 1 ha.

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cụ thể đã giúp cho ông Tia biết cách trồng chuối tiêu hồng theo đúng kỹ thuật. Với mật độ trồng 2.000 cây/ha, vườn chuối của ông Tia phát triển tốt. Đến kỳ thu hoạch, ông Tia tiến hành thu hoạch chuối theo từng lô thiết kế với năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Với giá bán khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, ông Tia đạt lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/ha.

Những năm trước, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình tái canh cây cà phê chè 30 ha tại huyện Hướng Hóa. Đến năm 2024, các mô hình này cho thu hoạch với năng suất đạt từ 18-22 tấn quả tươi/ha. Năm 2024, cà phê được giá nên nông dân đạt lợi nhuận gần 130 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây ăn quả, cây ngắn ngày được trung tâm chuyển giao cho người dân cũng đạt hiệu quả cao như: mít Thái, cam V2, bơ 034, đậu đen xanh lòng...

Không chỉ các mô hình trồng trọt cho hiệu quả cao, các mô hình chăn nuôi cũng được Trung tâm Khuyến nông chú trọng chuyển giao thành công với các loại con nuôi có chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với dịch bệnh như: mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học ở xã Mò Ó, huyện Đakrông quy mô 100 con/ mô hình, tỉ lệ sống đạt 97,4%, lợi nhuận thu được sau 4 tháng nuôi đạt 5 triệu đồng/mô hình; mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ...

Các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi theo tập quán của người dân.

Để các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho người dân thành công, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung triển khai các lớp tập huấn và đào tạo nghề, không chỉ giúp người dân nắm được kỹ thuật mà còn thay đổi thói quen canh tác truyền thống, nâng cao nhận thức về việc tổ chức các hoạt động sản xuất để tạo thu nhập, nâng cao đời sống.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: Thời gian tới, trung tâm đẩy mạnh chuyển giao các mô hình khuyến nông ở vùng núi với các mô hình thiết kế linh hoạt và phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào.

Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức và nhận thức cho người dân về lợi ích của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tuyên truyền về các mô hình thành công để nhân rộng. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về KHKT và mở rộng đến tất cả các xã, thôn, bản. Bổ túc liên tục trình độ chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông viên thông qua các hình thức học tiết kiệm kinh phí như học online để lực lượng này hoạt động có hiệu quả tại các thôn, bản.

Tập trung thực hiện các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững giúp thay đổi tư duy làm nông cho đồng bào miền núi, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Khuyến khích các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp người dân gắn kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hỗ trợ điểm một số mô hình chuyển giao các công nghệ sản xuất nông nghiệp thông minh phù hợp nhưng đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm năng lượng như: chăn nuôi thông minh, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động...

Trong điều kiện vùng núi còn nhiều khó khăn, để các mô hình chuyển giao thành công và phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của lực lượng khuyến nông, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong hỗ trợ người dân, trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân phát huy được nội lực của mình mà tham gia tích cực các mô hình, học hỏi cũng như tự nhân rộng mô hình thì thành công của các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới được lan tỏa rộng rãi.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để mở rộng dư địa phát triển

Thanh Trúc |

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (sau đây gọi tắt là KKT Đông Nam) được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, có tổng diện tích 23.792 ha, gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển là Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Qua gần 10 năm thực hiện quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và không gian phát triển bền vững. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã xây dựng Đề án điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam để trình UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tạo xung lực mới về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Phương Minh |

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam phát triển 5 trường đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật, công nghệ tầm cỡ khu vực

Mai Anh |

Các cơ sở này, cùng với đại học quốc gia và một số đại học vùng, sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao