Xứ Cùa là tên gọi thân thương mà người dân địa phương vẫn thường dùng để gọi hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Nhiều người yêu vùng đất này không chỉ bởi cảnh vật thanh bình, những khu vườn sum suê trái ngọt mà còn bị vấn vương bởi những đặc sản chỉ riêng có của miền đất đỏ này.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu của mình, ông Trần Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ hồ tiêu Cùa nói: “Từ xưa đến nay, Cùa vốn nổi tiếng với tiêu. Nhờ có hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị cay nồng, thơm ngon riêng có, tiêu Cùa được người dân trong, ngoài địa phương đặc biệt ưa chuộng, dần trở thành một đặc sản mà ai đến Quảng Trị cũng phải tìm mua”.
Sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất đỏ xứ Cùa được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ. Giai đoạn trước năm 2005, cây hồ tiêu được xem là “vàng đen” mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người, nhiều gia đình trên địa bàn.
Sinh ra và lớn lên tại thung lũng trù phú xứ Cùa, lại gắn bó gần như cả cuộc đời với cây hồ tiêu nên ông Hà luôn tự hào mỗi khi có ai đó hỏi thăm về tiêu Cùa.
“Những lúc đi công tác ngoại tỉnh, tôi thường mang theo tiêu của quê hương để vừa làm quà tặng, vừa quảng bá sản phẩm cho bạn bè ngoại tỉnh được biết. Sau đó, mọi người hỏi mua lại rất nhiều lần. Những lúc ấy, tôi cảm thấy thật vui và tự hào khi sản phẩm của quê hương xứ Cùa được khách hàng vui vẻ đón nhận. Thông qua tiêu Cùa, rất nhiều người đã biết đến xứ Cùa và mảnh đất Quảng Trị”, ông Hà mộc mạc nói.
Vậy nhưng có thời điểm, giá hạt tiêu trên thị trường xuống thấp, thời tiết bất lợi, phần lớn diện tích hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại nghiêm trọng khiến người dân không còn mặn mà với loại cây công nghiệp dài ngày này. Nhưng do nặng lòng với tiêu Cùa nên ông Hà luôn trăn trở, tìm mọi cách để đưa thương hiệu tiêu Cùa tái sinh.
Đồng hành cùng người dân cải tạo, phục hồi cây tiêu, tìm kiếm đầu ra thị trường, xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì, nhãn mác... cho sản phẩm tiêu Cùa, ông Hà cùng với chính quyền địa phương, người dân xứ Cùa nỗ lực để giữ vững loại cây công nghiệp lâu năm này, đưa thương hiệu tiêu Cùa, đặc sản đất đỏ vươn xa hơn.
Sẽ thật thiếu sót nếu không liệt kê gà Cùa vào những loại đặc sản của vùng đất đỏ badan trù phú này. Thịt gà Cùa nổi tiếng thơm ngon, săn chắc bởi đặc điểm “ngày ăn mối, tối ngủ cây”. Có lẽ do vẫn giữ phương thức nuôi thả tự nhiên; điều kiện địa hình khí hậu thổ nhưỡng và thức ăn chủ yếu là côn trùng mà chất lượng thịt gà Cùa luôn thơm ngon.
Gà Cùa mỗi con chỉ nặng tầm 1,2-1,3 kg, vẫn giữ tập tính tự nhiên là ngủ trên cây. Thịt gà Cùa đem luộc chấm muối tiêu là chuẩn vị nhất. Khi luộc chín, da gà vàng ươm lại giòn, ăn ngọt thịt, độ dai vừa phải, béo nhưng không ngấy. Tương truyền khi đoàn của vua Hàm Nghi ra đến Tân Sở, dân làng dâng lên vua và các quan trong đoàn tùy tùng món ăn của địa phương là gà Cùa hấp và gà hầm cháo hạt sen. Ai ăn cũng khen ngon.
Trong những ngày kháng chiến gian khổ ấy, vua Hàm Nghi luôn nhắc các vị đại thần sau này khi nước nhà bình yên hãy nhớ nuôi gà Cùa thành sản vật địa phương. Hiện nay, thương hiệu gà Cùa đã thực sự vươn xa, không chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại Quảng Trị mà còn được bán ở nhiều siêu thị tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Gà Cùa cũng đã được chứng nhận sản phẩm gà thịt VietGAP, gà đóng gói hút chân không là sản phẩm OCOP 3 sao và đang trong giai đoạn được đề xuất nâng hạn lên sản phẩm 4 sao.
Không chỉ có tiêu, gà, Cùa còn có các đặc sản khác như chè xanh, mít ngọt, chuối...Những loại cây này tuy ở đâu cũng có nhưng vì được trồng trên vùng đất đỏ badan, hưởng thời tiết khắc nghiệt của vùng đất miền Trung đầy nắng gió nơi đây mà càng trở nên thơm ngon đậm đà. Ở Cùa, có những cây chè cổ thụ với tuổi thọ trên 100 năm, có chiều cao tới bốn, năm mét đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Cây chè cổ thụ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang cốt cách, bản lĩnh của một vùng quê từ thuở khai thiên lập địa. Giống chè cổ thụ có lá nhỏ, khi nấu sẽ có nhiều vị ở trong đó. Mới uống vào có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xong thì lưu lại vị ngọt, thơm. Lá chè khi nấu đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn thơm tròn vị. Chè Cùa trở thành món quà hạng sang nhưng lại không thể thiếu mỗi lần ai đó đến với xứ Cùa.
Bên cạnh những “đặc sản” nổi tiếng gắn liền với mảnh đất, con người xứ Cùa bao đời nay, những năm trở lại đây, cao dược liệu được xem là đặc sản mới của xứ đất đỏ. Cơ sở sản xuất và kinh doanh Cao dược liệu Minh Nhi do vợ chồng anh Trương Công Minh, hiện sống tại thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa thành lập hiện đang sản xuất và kinh doanh trên 10 loại cao dược liệu khác nhau như: cao lá vằng, cao cà gai leo, cao đinh lăng...
Trao đổi với chúng tôi, anh Minh cho hay, để cho ra một thành phẩm cao dược liệu, người nấu cần thực hiện nhiều công đoạn từ sơ chế cho đến khi cô đặc thành cao. So với lá tươi, cao tiện lợi hơn vì không mất nhiều thời gian, công đoạn như cách pha truyền thống. Đặc biệt bằng việc sử dụng đa dạng nguyên liệu nấu cao hơn, sản phẩm cao dược liệu tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Cao dược liệu phát triển, người dân trên địa bàn cũng có thêm việc làm, được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế. Ngày xưa có tiêu, chè, bây giờ có cao dược liệu, ai đi xa cũng mua để làm quà. Là một người con của vùng đất Cùa, anh Minh cảm thấy hạnh phúc khi đặc sản của địa phương được phổ biến khắp muôn nơi”.
Những sản vật tuy bình dị nhưng lại được kết tinh bởi đất, nước, khí hậu đặc trưng và mô hôi, công sức của người con miền đất đỏ nên mang những giá trị rất riêng của xứ Cùa.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)