Chuyển đổi số (CĐS) không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển. Chính vì vậy thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai CĐS, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.
Nhằm ứng dụng công nghệ số vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng giúp gia tăng tiện ích, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch của khách hàng, vừa qua, Agribank chi nhánh TP. Đông Hà đã trang bị máy gửi, rút tiền tự động CDM với những tính năng, ưu điểm vượt trội như nộp tiền vào tài khoản chủ thẻ ghi nợ nội địa, thực hiện gửi tiền tiết kiệm với những chủ động về kỳ hạn và lãi suất; thời gian hoạt động 24/7 kể cả ngày nghỉ, lễ, tết hay ngoài giờ mở cửa giao dịch, qua đó đáp ứng nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm ngân hàng hiện đại, đa tiện ích của khách hàng.
Giám đốc Agribank chi nhánh TP. Đông Hà Nguyễn Như Phan cho biết: “CDM (Cash Deposit Machine) là máy gửi tiền tự động (Autobank) hay còn gọi là ATM đa chức năng, với tính năng như những giao dịch viên ngân hàng điện tử.
Đây là một trong những bước tiến mới trong chiến lược tự động hóa các giao dịch ngân hàng, gia tăng tiện ích và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mà Agribank đang hướng đến, được đông đảo khách hàng đón nhận, trải nghiệm và rất hài lòng.Tại Quảng Trị, đây là máy gửi, rút tiền tự động CDM thứ 4 đã được Agribank lắp đặt. Ngoài việc tạo thuận tiện và tiết kiệm thời gian giao dịch cho khách hàng, việc triển khai rộng rãi máy gửi, rút tiền tự động CDM cùng các dịch vụ ngân hàng tự động sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành cho Agribank, giảm áp lực và giảm số lượng nhân viên giao dịch tại quầy...”.
Chia sẻ cảm nhận khi trải nghiệm máy gửi, rút tiền tự động CDM tại Agribank chi nhánh TP. Đông Hà, chị Nguyễn Thị Mai Hương, ở Khu phố 1, phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết: “Tôi là khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Agribank.
Trước đây, máy ATM của Agribank chỉ rút được tiền và chuyển khoản nhưng bây giờ Agribank lại có dòng máy CDM có thêm chức năng nộp tiền vào tài khoản và gửi tiền tiết kiệm trực tuyến. Tôi đã thực hiện nộp tiền vào máy CDM, thao tác thật đơn giản và nhanh chóng. Tôi có thể thực hiện được tất cả các giao dịch, đặc biệt là nộp tiền mặt vào tài khoản bất cứ lúc nào mà không phải vào chờ đợi tại ngân hàng”.
Có thể thấy từ khi COVID-19 bùng phát, thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: ví điện tử Momo, Internet Banking, ATM, ứng dụng E-Mobile Banking...
Do đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử ghi nhận mức tăng trưởng cao so với các năm trước. Chị Trương Thị Thu Thảo, ở Phường 2, TP. Đông Hà cho biết: “Để thanh toán các khoản tiền dịch vụ của gia đình như: cước phí internet, điện, nước… tôi đã đăng ký thông báo số tiền và trích lập thanh toán tự động hằng tháng qua tài khoản ngân hàng. Mặt khác, thay vì trả tiền mặt theo cách truyền thống khi đi chợ, siêu thị, tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking và thấy rất tiện lợi, nhanh chóng, ngoài ra còn được hưởng rất nhiều ưu đãi từ phía ngân hàng khi thanh toán bằng hình thức này”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 113 máy ATM/CDM, 634 POS, các ngân hàng đã mở trên 503.378 tài khoản thanh toán, ước tính khoảng 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; số lượng thẻ đang lưu hành là 547.736 thẻ, trong đó số thẻ ghi nợ là 491.989 thẻ, số thẻ tín dụng là 55.747 thẻ.
Các giải pháp về CĐS của ngành ngân hàng không chỉ mang lại thuận tiện, lợi ích cho khách hàng, giúp khách hàng có những trải nghiệm mới, tiếp cận những ứng dụng mới trong thời đại số hóa mà còn góp phần tạo nên một nền kinh tế số, xã hội số mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo hướng tới.
Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm vụ được ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian tới là triển khai đồng bộ các giải pháp CĐS, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của CĐS trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro trên môi trường điện tử.
Đảm bảo chuyển dịch trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, làm cầu nối thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm công tác đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực về công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng hướng dẫn khách hàng kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý và giải đáp kịp thời các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.
Triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, báo cáo, ngăn ngừa kịp thời các giao dịch vượt ngưỡng, giao dịch đáng ngờ, các giao dịch thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin...
Với những lợi ích như: giảm chi phí giao dịch, gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho người dùng..., CĐS thực sự là bước đi cần thiết đối với ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các ngân hàng cần chú trọng đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ thanh toán có độ an toàn cao và tăng tính bảo mật, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh và hoàn thành kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của toàn ngành ngân hàng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)