Từ rất sớm, Tập đoàn TH đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi và thực phẩm sạch. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, đây chính là "con đường xanh" mà TH đang đi để hướng tới một tương lai bền vững.
Ngày 12/3, đoàn công tác của "Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII" đã đến thăm mô hình phát triển kinh tế xanh của Tập đoàn TH tại Nghệ An.

Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương bày tỏ: "Chúng tôi rất ấn tượng với quy trình từ trồng cỏ, chế biến thức ăn, trang trại chăn nuôi... đến sản xuất sữa và phân phối sản phẩm của Tập đoàn TH.
Chúng tôi hiểu để có được hệ sinh thái như hiện nay, thì người đứng đầu cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn TH đã dành sự tâm huyết, trí tuệ, quyết tâm và bền bỉ rất lớn. Tập đoàn TH đã và đang lớn mạnh từng ngày, mang lại niềm tự hào cho mảnh đất, con người Nghệ An, đồng thời cho ngành sữa Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế”.
Ông Long Hải cũng chia sẻ, mô hình của Tập đoàn TH đang triển khai sẽ giúp cho các thành viên trong lớp trong quá trình nghiên cứu, học tập, từ đó để thấy cách làm, tư duy, quản trị doanh nghiệp, sự hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng. “Tập đoàn TH sẽ là "cánh chim đầu đàn", tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và thế giới, mang lại niềm tự hào cho nền nông nghiệp nước nhà" - ông nói.
Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác, ông Sudipta Pathak Kumar, Giám đốc Kiểm soát Chất lượng của Tập đoàn TH cho biết: "Tôn chỉ "trân quý Mẹ Thiên nhiên" đã thấm vào tất cả các hoạt động, tất cả người lao động của Tập đoàn TH với 6 trụ cột của chính sách phát triển bền vững gồm: Dinh dưỡng và Sức khỏe, Môi trường, Con người, Giáo dục, Cộng đồng và Phúc lợi động vật".
Từ năm 2009, Tập đoàn TH đã triển khai dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao, từ đó xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK trở thành thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Hiện tại, quy mô đàn bò tiếp tục được mở rộng, mới đây nhất, trang trại bò sữa TH đã nhập khẩu thêm 1.941 bò sữa cao sản thuần chủng Holstein Friesian (HF) từ Mỹ.
Theo ông Sudipta Pathak Kumar, tại trang trại, các khâu trong trồng trọt, chăn nuôi đều ứng dụng công nghệ cao, trong đó sử dụng quy trình quản lý đàn Afifarm - Israel tiên tiến nhất thế giới; Quy trình quản lý dịch bệnh và thú y của New Zealand, Quy trình và thiết bị xử lý nước sạch của Hà Lan; Quy trình và thiết bị xử lý nước thải và chất thải Nhật Bản, Israel, Hà Lan; Hệ thống vắt sữa tự động khép kín… Các hoạt động quản trị và dữ liệu sản xuất đã được số hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học điện toán đám mây.

Một trong những ví dụ cho mô hình kinh tế xanh ở Tập đoàn TH là khâu xây dựng hệ thống xử lý phân và nước thải cho đàn bò sữa. Anh Vương Quốc Hạnh, cán bộ quản lý nhà máy phân bón vi sinh (Tập đoàn TH) cho biết, phân sau khi qua hệ thống tách nước sẽ đảo trộn ở nhiệt độ 65-70 độ C để diệt trừ vi khuẩn có hại, tiếp đó phối trộn với bã mía và một số men vinh trong thời gian 45 ngày cho ra thành phẩm phân hữu cơ. "Phân hữu cơ sau khi đóng bao chủ yếu dùng để bón cho cỏ làm thức ăn cho bò, một phần cung cấp ra thị trường".

Không ngừng mở rộng quy mô, thị trường
Ông Sudipta Pathak Kumar cho biết, hiện thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK chiếm khoảng 45% thị phần phân khúc sữa tươi tại Việt Nam với khoảng 140 loại sản phẩm, đã mở rộng thị trường ra Trung Quốc và các nước ASEAN.

Trước đó, chia sẻ về định hướng sắp tới, sau Nghệ An, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn cho biết đang tiếp tục phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum, An Giang và ra thế giới với Dự án Chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và các dự án nông nghiệp có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga.
Tại Nghệ An và một số tỉnh thành khác, Anh hùng Lao động Thái Hương đã xây dựng vùng bảo tồn dược liệu; quy hoạch vùng trồng hoa quả và bắt đầu hành trình TH đưa nông dân đi theo chuỗi sản xuất thực phẩm, đồ uống sạch khép kín, cùng nông dân làm kinh tế dưới tán rừng, phát triển nông nghiệp bền vững.
(Nguồn: Ngày nay)