8 địa phương bị phê bình vì chống dịch COVID-19 chưa nghiêm

Thanh Mai |

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mọi trường hợp lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi các bộ ngành và chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Thủ tướng, hiện dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát tuy nhiên do tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo, yêu cầu về phòng, chống dịch. “Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, công điện của Thủ tướng nêu rõ.

Các đơn vị cũng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm để chủ động, sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch sao cho hiệu quả nhất.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đồng thời phê bình, nhắc nhở, yêu cầu Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.

Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang cần rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh.

Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài.

Thủ tướng cho rằng mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân.

Thủ tướng lưu ý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp.

Về việc đảm bảo vaccine tiêm phòng dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vaccine này nhanh nhất, công bố trên thông tin đại chúng để nhân dân biết và giám sát.

Rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại; tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vaccine và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch.

Thủ tướng lưu ý cần có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp và người dân tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. “Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vaccine”, Thủ tướng quán triệt.

Đặc biệt, Bộ Y tế được giao xây dựng báo cáo và tờ trình xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19, để từ đó có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Cấp cứu kịp thời chiến sỹ dân quân bị rắn cắn lúc tuần tra chống dịch COVID-19

Nguyễn Phan |

Ngày 02/5/2021, UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, một chiến sỹ dân quân thường trực đã bị rắn lục cắn trong lúc tuần tra phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chuyển dịch năng lượng xanh: Quá nhiều điểm nghẽn rào cản

Nguyễn Quỳnh |

Việt Nam giàu tiềm năng về điện gió, điện mặt trời để có thể phát triển ở các quy mô khác nhau, có cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng, giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cũng như pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.

Vành đai 3 lớp phòng dịch COVID-19 ở biên giới Quảng Trị hoạt động thế nào?

Hưng Thơ |

Để phòng dịch COVID-19, tỉnh Quảng Trị huy động nhiều lực lượng tăng cường lên tuyến biên giới Việt – Lào và kích hoạt vành đai 3 lớp với mục tiêu không để lọt người nhập cảnh trái phép vào nội địa.

Việt Nam hỗ trợ Lào 500.000 USD để ứng phó dịch COVID-19

PV |

Ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư thăm hỏi tới Thủ tướng Lào và thông báo về khoản hỗ trợ khẩn cấp 500.000 USD của Việt Nam dành cho Lào ứng phó đợt lây nhiễm mới trong cộng đồng.