Bất an vì món nợ “trên trời rơi xuống”

Quang Hiệp |

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn Quảng Trị bỗng nhiên nhận được hàng chục tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ hằng ngày. Ngoài chửi rủa, đe dọa, một số người còn bị các đối tượng không quen biết lấy hình ảnh, thông tin cá nhân đi bêu rếu khắp nơi nên rất hoang mang, lo lắng.

Bỗng dưng bị đòi nợ

Suốt cả tháng nay, cô giáo T.H., công tác tại một ngôi trường ở huyện miền núi Hướng Hóa rất hoang mang, lo lắng khi nhận rất nhiều cuộc gọi từ những số máy lạ. Các đối tượng mà cô H. chưa từng quen biết và liên lạc trước đó luôn miệng nhắc đến một khoản nợ mà gia đình cô không hề liên quan. Không dừng ở những cuộc gọi quấy rối, đối tượng gán ghép cô H. với khoản nợ “từ trên trời rơi xuống” còn đưa ra những lời dọa dẫm khiến các thành viên trong nhà đứng ngồi không yên, như: “Đứa con gái lớn của mày cũng được đó, đừng để tau đụng tới”.

Đáng ngại hơn, nhóm người này còn liên tục điện thoại cho người thân, đồng nghiệp của cô H. để gây áp lực. Ngay cả hiệu trưởng của cô H. cũng nhận được cuộc gọi với nội dung: “Cô bảo cô H. liên hệ cho tôi, trả nợ cho tôi. Nếu không, tôi phá nát trường cô”. Sự việc không có thật nhưng lại đi quá xa làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, danh dự của cô giáo H.- một giáo viên được đánh giá là mẫu mực. “Tôi rất bức xúc vì nhóm người này không chỉ gọi điện quấy rối người thân mà còn cả lãnh đạo, đồng nghiệp của mình. Trong sự việc này, đối tượng mà tôi không hề quen biết có hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Lừa đảo, vu khống, đe dọa người khác…”, cô H. nói.

Cũng gặp tình huống tương tự như cô T.H., anh N.V.H., trú tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà vừa có đơn trình báo gửi cơ quan chức năng. Anh H. kể, ngày 23/8/2022, tài khoản Facebook có tên Huỳnh Như đã đăng tải thông tin vu khống anh H., em trai và ba của mình. Cụ thể, đưa hình ảnh 3 thành viên trong gia đình anh H. và một số thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tài khoản Facebook Huỳnh Như vu khống rằng: “Những đối tượng này từng làm hồ sơ giả vay tiền rất nhiều công ty tài chính để ăn chơi, đua đòi… Những đối tượng này thật sự có vay nhiều lần nhưng luôn luôn thông tin bảo mình bị hack tài khoản nên bị lộ hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị truy cập danh bạ.

Nếu ai nói lừa đảo thì lên MOMO, nhập chứng minh nhân dân của đối tượng và kiểm tra”. Anh H. cho biết: “Sau khi liên hệ về gia đình, kiểm tra, đối chứng, tôi khẳng định mình và các thành viên trong nhà không có khoản vay nào đối với cá nhân, tổ chức có tên là công ty thu hồi nợ Đông Hùng, cũng chưa bao giờ làm giả giấy tờ để vay nợ các công ty tài chính. Vì vậy, tôi đã làm đơn trình báo, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ uy tín, danh dự cho gia đình tôi, đồng thời xử lý người tung tin sai sự thật”.

Ngoài cô giáo T.H. và anh N.V.H., thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh rất bức xúc khi bỗng dưng bị gán ghép vào một khoản nợ mà không hề biết. Các đối tượng không rõ lai lịch điện thoại quấy rầy người dân bất kể ngày đêm. Chúng dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để vu khống, đe dọa và khủng bố bằng hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn. Không dừng lại ở đó, một số đối tượng còn liên lạc với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… yêu cầu đòi nợ giúp. Nếu người bắt máy không hợp tác, chúng cũng cảnh cáo, dọa dẫm. Với kiểu đòi nợ trên mạng xã hội, các đối tượng thường lập ra rất nhiều tài khoản ảo, sau đó nhắn tin, bình luận trên Facebook của người mà chúng nhắm vào và bạn bè họ.

Việc bỗng dưng bị gán ghép vào một món nợ, rồi thường xuyên nhận được cuộc gọi, tin nhắn quấy rầy, đe dọa khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Nhiều người stress nặng khi tên tuổi của mình bị bêu rếu ở khắp nơi. Vì thế, họ đã trình báo, cầu cứu cơ quan chức năng.

Vì sao gặp... họa?
Tin nhắn dọa dẫm mà đối tượng không quen biết gửi cô giáo T.H. khiến cả gia đình bất an, lo lắng - Ảnh: Q.H
Tin nhắn dọa dẫm mà đối tượng không quen biết gửi cô giáo T.H. khiến cả gia đình bất an, lo lắng - Ảnh: Q.H
 

Trao đổi với phóng viên, phần lớn các trường hợp bỗng dưng bị đòi nợ đều thể hiện sự bức xúc, hoang mang, lo lắng. Họ khẳng định bản thân không hề quen biết, liên lạc, vay mượn tổ chức, cá nhân mà đối tượng đòi nợ nhắc đến. Khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng vay mượn, các đối tượng cũng không cung cấp mà đe dọa, khủng bố bằng cuộc gọi nhiều hơn. Một số người không biết làm sao để giải quyết mối họa được ví là “từ trên trời rơi xuống” này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều con đường dẫn đến việc người dân bỗng dưng bị gán ghép vào khoản nợ không hay biết. Ngoài các trường hợp đang yên, đang lành bỗng dưng bị gán ghép vào khoản nợ và cá biệt là bị đòi nợ… nhầm, một số trường hợp trực tiếp hoặc không may vô tình liên quan đến cá nhân vay tiền qua các tổ chức tài chính hoặc app tài chính. Cụ thể, một số nạn nhân có người thân vay tiền tuy đã quá hạn nhưng chưa thanh toán. Kết quả là họ bị “đòi nợ thế thân”. Một trường hợp khác là cá nhân từng vay tiền, dù đã tất toán nhưng vẫn cứ bị đòi nợ.

Được biết, khi vay tiền của một số tổ chức tài chính hoặc qua app tài chính, phần lớn khách hàng đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin và số điện thoại của một người thân nào đó để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là một trong những con đường dẫn tới việc nhiều người không hề vay nhưng bỗng dưng bị gán nợ.

Qua tìm hiểu, hiện nay nhiều app vay tiền online có phương thức cho vay rất đơn giản, chỉ cần ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và số điện thoại là có thể đăng ký vay tiền, được giải ngân nhanh chóng. Từ sự dễ dãi này, một số đối tượng đã lợi dụng để đánh cắp thông tin của người khác, rồi đăng ký vay tiền online trên những ứng dụng cho vay tiền.

Hệ quả là người bị đánh cắp thông tin bỗng dưng bị bêu ảnh lên mạng xã hội để đòi nợ mặc dù chưa từng vay tiền. Tình huống khác xuất phát từ việc khi chấp nhận vay vốn qua app, một số người đồng ý cho app có quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, vì thế mới có việc nhiều người không liên quan bị vạ lây.

Thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Võ Công Hoan, hành vi gán ghép người khác vào khoản nợ không có thật và đăng thông tin, hình ảnh với nội dung sai sự thật lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm bị xử phạt khác nhau. Theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, trường hợp vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức.

Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân có dấu hiệu của tội vu khống. Khung hình phạt nhẹ nhất trong trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm...

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh đã nhận được trình báo của một số người dân về việc bỗng dưng gán ghép vào một khoản nợ mà mình không hay biết. Sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng đã vào cuộc để xử lý.

“Khi bỗng dưng bị gán ghép vào một khoản nợ, người dân cần liên hệ ngay với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Trị và công an các huyện, thị xã, thành phố để trình báo”, Đại tá Thanh đề nghị.

Cùng sự vào cuộc của các ngành, đơn vị liên quan, thiết nghĩ mỗi người dân cần thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân; vay mượn tiền qua các công ty tài chính, app vay tiền online thiếu uy tín; cho mượn chứng minh nhân dân, căn cước công nhân và một số giấy tờ khác...

Đây là cách góp phần giúp bản thân và những người xung quanh tránh được tình huống bỗng dưng bị đòi nợ. Thực tế, việc xử lý các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để lừa đảo không hề dễ. Bởi, phần lớn những người bỗng nhiên bị đòi nợ không biết nguyên nhân đến từ đâu. Trong khi đó, các đối tượng đi đòi nợ thường sử dụng Facebook ảo, sim rác để gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố. Vì thế, thận trọng vẫn là điều cần thiết nhất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giả chữ ký lãnh đạo và dấu của Sở TN&MT Quảng Trị trong giao dịch đất đai để lừa đảo

Q.H |

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa cho biết, lãnh đạo sở vừa thông tin đến các đơn vị, địa phương về việc đề phòng các đối tượng giả mạo chữ kỹ và con dấu trong các giao dịch đất đai.

Khởi tố Trịnh Văn Quyết thêm tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

PV |

Ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan tiếp tục bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Sập bẫy lừa đảo "tải app Bộ công an", nhiều người bị mất hàng tỷ đồng

Thanh Bình |

 

Công an TP.Hà Nội cho biết thời gian qua đã có rất nhiều người sập bẫy các đối tượng giả mạo cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Túng quẫn vì bị lừa đảo trên mạng, một công nhân bắt cóc trẻ sơ sinh

Nguyễn Thắng |

Nguyễn Thị Tuyến đã giả làm nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ rồi lẻn vào khoa Sản tìm “bắt” được 1 bé sơ sinh (mới sinh ngày 18/8) và bế ra ngoài.