Tình trạng thổi giá, làm giá, tạo ra các giao dịch ảo để đẩy giá… khiến thị trường hoa lan đột biến gần như rơi vào hỗn loạn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc đưa hoa lan đột biến về giá trị thực của nó.
Ngày 12/4, giới chơi lan đột biến xôn xao trước thông tin một chủ vườn lan đột biến ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ôm theo 200 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Theo đó, trên mạng xã hội facebook chia sẻ thông tin chủ vườn lan H.T ở Xóm chợ Định Xuyên (xã Hòa Nam) bỏ trốn.
Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội: “Thông tin cho em, bạn bè chơi lan tin xấu về những ai đã đặt lúa non cây tại vườn lan H.T. là chủ vườn đã bỏ trốn. Trong đó, có anh em đầu tư hàng chục tỷ vào vườn lan này”. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng đi xác minh, nhưng đến thời điểm này cũng chưa có thông tin, báo cáo cụ thể.
Lan đột biến làm dậy sóng thị trường cây cảnh khi thời gian vừa qua được công bố bán với nhiều mức giá “khủng” từ vài tỷ tới vài chục tỷ, thậm chí mấy trăm tỷ đồng.
“Khoác” trên mình cái tên mĩ miều như Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Hồng Á Hậu, Hồng Minh Châu, Hồng Yên Thủy, Mắt Trâu, Mày Ngài… những mầm lan đột biến bé tí xíu mà có giá tiền tỷ vẫn được được rao bán sôi động. Trên các trang mạng xã hội, dân buôn vẫn rầm rộ livestream về các vụ giao dịch lan đột biến, tiền mệnh giá cao xếp cả dãy dài.
Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến.
Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, các địa phương cần khuyến cáo hội viên cẩn trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi về chủng loại lan Var này.
GS.TS Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội cho rằng, việc các giao dịch hoa lan đột biến được đẩy lên tới hàng chục tỷ đồng là không bình thường. Với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến thường rất khó.
Đưa lan đột biến về giá trị thật
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, việc xuất hiện lan đột biến là 1 hiện tượng tự nhiên của sinh vật, không chỉ diễn ra ở cây lan mà ở mọi loại cây trồng, mọi loại sinh vật từ rất lâu rồi.
Chưa kể đến những cây lan đột biến mà chúng ta thấy (từ thực tế hoặc trên hình ảnh) chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự “biến dị đột biến” (tức là đột biến như mọi người thường hiểu) mà còn có thể là do “Biến dị tái tổ hợp” tức là do quá trình thụ phấn (do con người hoặc do côn trùng, gió) đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính của cây bố mẹ, khác màu hoa của cây bố, mẹ.
Trong một số cây mà mọi người gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu. Chính điều này lý giải tại sao, một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác.
Về lý thuyết, công nghệ nuôi cấy mô tế bào (nuôi cấy in vitro) cho phép mọi tế bào/mô đột biến đều có thể được nuôi trồng thành cây đột biến hoàn chỉnh và có thể truyền lại cho thế hệ sau. Do thế, có thể tạo ra lan đột biến số lượng lớn.
Tuy nhiên, mỗi cá thể lan đòi hỏi điều kiện nuôi cấy in vitro khác nhau và vô cùng nghiêm ngặt, do đó, cần khá nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư nghiên cứu mới có thể công bố bản quyền một giống lan hoàn chỉnh và phát triển được giống đó ra sản xuất đại trà.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có thể phát hiện, tạo ra và phát triển hoa lan đột biến (không chỉ với phi điệp mà còn cho nhiều chủng loại lan khác) thực tế ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều đã ứng dụng và đã mang lại thành công.
“Suốt thời gian qua, dù cho giới khoa học đã nói nhiều, nhưng thị trường lan đột biến vẫn cứ nhiễu loạn do chưa có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Theo tôi, cứ phát triển kiểu bong bóng như vậy thì không lâu nữa, thị trường này sẽ sập, hoa lan đột biến sẽ trở lại giá trị thật.
Chỉ cần với việc chủ vườn ôm tiền bỏ trốn nêu trên, công an vào cuộc làm rõ, xử lý thật nghiêm. Theo phản ứng dây chuyền, các vườn lan khác cũng sẽ chung số phận. Đã đến lúc phải để bong bóng này xẹp xuống, dư luận có cái nhìn đúng đắn về lan đột biến”, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết.
(Nguồn: GD&TĐ)