Cả thế giới bị lừa qua mạng mất 53 tỷ đô, người Việt thiệt hại số tiền khủng

Huỳnh Duy |

Người Việt bị lừa gần 16 tỷ USD trong tổng 53 tỷ USD toàn cầu.

Ngày 5/1, trong lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án chống lừa đảo của người sáng lập Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đã có nhiều câu chuyện và nhìn nhận về lừa đảo qua mạng dưới góc nhìn kinh tế. Đây được ví như một ngành công nghiệp có lợi nhuận rất cao.

Người Việt bị lừa gần 16 tỷ USD trong tổng 53 tỷ USD toàn cầu

Tại buổi trò chuyện, ông Philip Hùng Cao cho biết Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023.

“Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”, ông Philip nhận định.

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo, tối 5/1/2023. (Ảnh: Hồng Đức/baochinhphu.vn)
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo, tối 5/1/2023. (Ảnh: Hồng Đức/baochinhphu.vn)

Được ví như ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng. Chắc không có ngành nào lãi suất cao như vậy", gương mặt thân quen với thị trường công nghệ và an toàn thông tin tại khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) cũng cho rằng lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không còn xuất phát từ cá nhân hay nhóm nhỏ.

“Họ có ‘giáo trình’, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Với nhận thức còn thấp về an toàn thông tin, Việt Nam trở thành nơi đắc địa để tội phạm khai thác”, ông Khang cảnh báo.

Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chongluadao đã công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến ở nước ta năm 2023. Số liệu thu được từ sự tham gia của 1063 người đã giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ ảnh hưởng của tình trạng lừa đảo trực tuyến.

Theo đó: Trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. 29% người tham gia cho biết phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng.

Số liệu khảo sát cho thấy 71% người được hỏi bị lừa thông qua Facebook và Gmail, theo sau là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%). GASA cho rằng: Nếu như áp dụng số liệu trên phạm vi toàn quốc, thiệt hại có thể lên 391,8 nghìn tỷ đồng.

“Hầu hết người Việt Nam đều bị lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail. Trong đó, lừa đảo trộm danh tính có tác động lớn nhất so với các trò lừa đảo khác, sau đó đến mua sắm và tuyển dụng. Không ít bạn trẻ, sinh viên tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi việc nhẹ lương cao. Hậu quả là thời gian qua không ít bạn bị lừa sang Campuchia, bị nhốt, đánh đập nếu không làm việc theo yêu cầu của bọn chúng…”, ông Ngô Minh Hiếu cho hay.

“Nín thở 7 giây trước khi click chuột”

Các chuyên gia của Liên minh Chống lừa đảo cho rằng, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, mọi người cần thận trọng khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng.

Ông Philip cho rằng cần “nín thở 7 giây trước khi click chuột” để kiểm chứng thông tin, hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, Bluetooth…

Ông Khang cũng lưu ý người dùng mạng nên chậm lại để tỉnh táo. “Quá nhanh, quá tin tưởng sẽ dễ bị lừa đảo. Hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình?”, ông Khang nói.

Nhắc những câu chuyện thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp bị lộ ra ngoài, Hiếu PC cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.

Ông Ngô Minh Hiếu (thứ 2 từ trái sang) cùng các chuyên gia an ninh mạng chia sẻ tại sự kiện 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo. (Ảnh: Mỹ Quyên)
Ông Ngô Minh Hiếu (thứ 2 từ trái sang) cùng các chuyên gia an ninh mạng chia sẻ tại sự kiện 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo. (Ảnh: Mỹ Quyên)

"Chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau…", hacker "mũ đen" một thời nhấn mạnh.

Ông Hiếu cho biết từng khảo sát 1.000 người, có nhiều nạn nhân và lừa đảo rất phức tạp. Dẫn kết quả tổng kết từ cơ quan chính phủ, ông Hiếu cho hay tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có tổng kết 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm.

“Qua các bước như từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại, sau đó nạn nhân của lừa đảo qua mạng sẽ bị dẫn dụ vào Telegram. Khi đến bước này thì khả năng bị lừa đã là 95%”, ông Hiếu nói về khả năng bị sập bẫy của người dùng mạng.

“Dự án Chongluadao là dự án hoàn toàn miễn phí, với phương châm cộng đồng cùng nhau bảo vệ cộng đồng. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho cộng động mạng Việt Nam, bảo vệ mọi người trên không gian mạng bằng công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới để bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản”, ông Hiếu chia sẻ.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Món canh cá khiến dân mạng phẫn nộ vì quá tàn nhẫn, nguyên nhân bởi cách ăn độc lạ

Hạ Linh |

Nhiều ý kiến cho rằng, món canh cá này quá tàn nhẫn khi hành hạ động vật như vậy.

Cảnh giác với muôn kiểu lừa tiền qua mạng xã hội

Hiếu Giang |

Vì “nhẹ dạ, cả tin”, nhiều nạn nhân đã bị lừa tiền qua mạng xã hội một cách dễ dàng, một số trường hợp cũng suýt bị lừa số tiền lớn.

Hội An và Đà Lạt gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO

PV |

Vào Ngày Thành phố Thế giới 31/10, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) chính thức chào đón 55 thành viên mới, theo quyết định ghi danh của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Công an Quảng Trị đấu tranh quyết liệt với tội phạm trên không gian mạng

Trần Khôi |

Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động phát hiện, điều tra khám phá 5 vụ/15 đối tượng hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, phòng đã tiếp nhận, phân loại, giải quyết 13 nguồn tin về tội phạm hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 6,5 tỉ đồng.