Các ngân hàng vẫn không giảm lãi suất để chia khó với khách vay, dù đạt lợi nhuận khủng.
Các ngân hàng thương mại dù có lợi nhuận khủng vẫn không chịu giảm lãi cho vay để chia sẻ khó khăn với khách vay. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đều điêu đứng, không có nguồn thu do phải tuân thủ giãn cách.
Theo các chuyên gia, dù ngân sách đang khó khăn nhưng Chính phủ vẫn có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), nhiều DN cũng hỗ trợ người lao động, các chủ nhà cũng giảm mạnh tiền cho thuê nhà, mặt bằng để chia khó với người thuê. Thế nhưng các ngân hàng (NH) vẫn không giảm lãi suất để chia khó với khách vay, dù đạt lợi nhuận khủng.
Nhiều người dân vay vốn làm ăn vẫn gặp khó khăn vứi khoản vay gốc và lãi trả cho NH hằng tháng trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.
Từ các DN sản xuất kinh doanh cho đến các hộ kinh doanh và người dân làm ăn nhỏ lẻ, đều gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhiều NH thương mại vẫn đạt lợi nhuận khủng nhờ giảm mạnh lãi suất huy động nhưng vẫn neo lãi suất cho vay.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết trong 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của các NH thương mại tăng mạnh, trong đó chỉ riêng lợi nhuận nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đã giúp các NH tăng nộp cho ngân sách thêm khoảng 6.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội NH, cho biết: "Từ giữa tháng 7, các NH cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5 - 2%/năm và phổ biến là 1%/năm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới. Tổng số tiền giảm lãi suất được các NH cam kết chia sẻ với khách vay khoảng 20.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các NH đều án binh bất động với lý do "chờ NH Nhà nước có chủ trương". Hiệp hội Nhựa VN vừa có văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng, đề xuất NH giảm 2 - 3%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ những DN bị thiệt hại nặng nề bởi dịch.
NH Nhà nước vừa có công văn yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội NH nhằm giữ uy tín của mỗi NH và toàn ngành trước người dân, DN và xã hội.
Đặc biệt, NH Nhà nước khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, làm cơ sở xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của NH vào năm 2022.
Một chuyên gia kinh tế nói: "Từ năm 2020 đến nay, các NH thương mại công bố lãi khủng, trong khi người vay kiệt quệ vì bị dịch hoành hành, lẽ ra các NH phải chủ động giảm lãi suất cho vay một cách thực chất thay vì chỉ có trên giấy. Theo tôi, với những NH đã cam kết giảm lãi suất cho vay, NH Nhà nước cần yêu cầu công khai mức giảm lãi suất trên website của mình để người dân và cơ quan quản lý giám sát, tránh tình trạng nói mà không làm hoặc làm kiểu đánh trống bỏ dùi".
(Nguồn: Phụ nữ mới)