Thời gian qua, công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy được các cấp bộ đoàn trên địa bàn đặc biệt quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể. Sự ra đời của mô hình “4 cặp 1” đã góp phần nâng tầm các hoạt động giúp thanh niên trở lại đường sáng.
Nhiều năm nay, ma túy, tệ nạn xã hội đã trở thành nỗi lo chung của người dân TP. Đông Hà (Quảng Trị). Nó đã len sâu vào nhiều mái nhà, lấy đi cuộc sống bình yên. Trượt dài từ ma túy, tệ nạn xã hội, một số thanh niên đã đánh mất tương lai. Thực trạng ấy khiến các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên ở TP. Đông Hà rất buồn lòng. Ai cũng mong muốn và sẵn sàng góp sức để giúp đỡ các bạn trẻ lầm đường, lạc lối. Vì thế, khi Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh triển khai mô hình “4 cặp 1”, các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên ủng hộ cao. Rất nhanh sau đó, họ đã bắt tay ngay vào công việc.
Bí thư Thành đoàn Đông Hà Cao Thị Hải Vân cho biết: “Trung bình mỗi năm, đoàn thanh niên các phường trên địa bàn đăng ký cảm hóa 20 - 30 thanh niên nghiện ma túy hoặc dính vào các tệ nạn xã hội. Với sự nhiệt tâm, nhiệt tình của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, nhiều bạn trẻ từng sa ngã đã đổi thay tích cực. Có bạn từ bỏ ma túy, tệ nạn xã hội, trở thành nhân tố tích cực của công tác đoàn, phong trào thanh niên”.
Tại huyện Hướng Hóa, sau khi nhận chủ trương xây dựng mô hình “4 cặp 1”, Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư rất mừng. Từ nhiều năm trước đó, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện. Xác định rõ nhiệm vụ, đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã cắt cử cán bộ đoàn quan tâm, hỗ trợ, tiếp thêm quyết tâm, nghị lực cho thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy. “Sự ra đời của mô hình “4 cặp 1” có thể ví là sự nâng cấp các hoạt động của đoàn với sự góp sức đắc lực từ công an xã, cựu chiến binh. Nhờ thế, hiệu quả của công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy được nâng cao”, Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư nói.Từ lâu, các cán bộ đoàn trên địa bàn đã rất lo lắng khi thấy một bộ phận thanh niên sa chân vào ma túy, tệ nạn xã hội. Vì lầm đường, lạc lối, một số người đánh mất nhiều cơ hội quý giá, thậm chí cả tương lai. Họ trở thành nỗi lo không chỉ của gia đình mà cả cộng đồng. Một thực tế khác là sau khi hoàn lương, một số thanh niên gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Bị kỳ thị, xa lánh, không xác định được con đường phía trước, có người lại sa đà vào rượu chè, ma túy, tệ nạn xã hội.
Với trách nhiệm cao, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy. Trong đó, tuy mới triển khai nhưng mô hình “4 cặp 1” được đánh giá cao bởi tính hiệu quả. Với mô hình này, thanh niên lạc lối sẽ nhận được sự giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục từ 4 người gồm: Cán bộ đoàn cấp xã; cán bộ chi đoàn thôn, bản, khu phố; công an xã; cán bộ hoặc hội viên cựu chiến binh.
Ngoài ra, tùy tình hình, một số cá nhân uy tín, có kinh nghiệm trong công tác cảm hóa thanh niên từ các đoàn thể khác cũng sẽ chung tay. Điểm đặc biệt ở mô hình này là ngoài những thanh niên từng vi phạm pháp luật, thanh niên hoàn lương, thanh niên dính vào ma túy, tệ nạn xã hội, các cấp bộ đoàn, ngành, đơn vị liên quan còn quan tâm, hỗ trợ thanh niên thường bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, hay vi phạm nội quy, quy chế…
Để đưa mô hình vào thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Công an tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, quy trình, nội dung giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy. Hai đơn vị xác định phải làm tuần tự từng bước gồm: Khảo sát, lựa chọn đối tượng cần hỗ trợ; tiếp cận, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng; tổ chức các hoạt động giúp đỡ; vận động tham gia các hoạt động đoàn, hội…
Các nhóm cảm hóa được khuyến khích chủ động tiếp cận, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng được phân công giúp đỡ. Trên cơ sở đó, họ sẽ tìm ra nguyên nhân, đề xuất các biện pháp giúp đỡ phù hợp với từng đối tượng hoặc có biện pháp răn đe, giáo dục, ngăn chặn những hành vi, nhận thức sai lệch.
Trong khả năng của mình, các cán bộ đoàn có nhiệm vụ tạo môi trường tốt cho thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy với những hoạt động cụ thể như: Vận động tham gia các hoạt động thiện nguyện, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; gặp gỡ, chuyện trò với thanh niên hoàn lương; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế…
Thực tế, việc đưa thanh niên trở về con đường sáng không hề dễ. Phần lớn các thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy đều ngại tiếp xúc, sẻ chia với mọi người. Vì thế, riêng việc tiếp cận họ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng đã mất nhiều thời gian. Khó khăn nhân lên gấp đôi khi vận động các thanh niên này tham gia hoạt động, phong trào.
Tuy nhiên, các cán bộ đoàn, công an xã, cựu chiến binh vẫn nỗ lực làm nhiệm vụ theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”. Họ đến với thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy với cả tấm lòng, trách nhiệm; vận động thân nhân các thanh niên lầm đường vào cuộc; đặt mình vào vị trí của từng bạn trẻ để xem họ cần gì… Sau khi khoảng cách được xóa nhòa, các nhóm cảm hóa bắt tay ngay vào việc giáo dục, cảm hóa. Mỗi sự tiến bộ dù là rất nhỏ của các thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, thanh niên sử dụng ma túy cũng là niềm vui của nhóm cảm hóa.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn đã đăng ký cảm hóa, giúp đỡ 510 thanh, thiếu niên chậm tiến. Được sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp, có 379 bạn trẻ trong số đó đã tiến bộ. Qua ghi nhận, số thanh niên chậm tiến được cảm hóa, giúp đỡ và sự tiến bộ tăng cao sau khi mô hình “4 cặp 1” ra đời. Nhờ sự vào cuộc đầy tâm huyết, trách nhiệm của các cán bộ đoàn, công an xã, cựu chiến binh mà nhiều thanh niên đã tìm lại được “con đường sáng”, trở thành những nhân tố tích cực.
Anh L., một thanh niên ở TP. Đông Hà bộc bạch: “Trước đây, vì sa vào ma túy nên em đã đánh mất rất nhiều thứ, đặc biệt là lòng tin của mọi người. Nhờ sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ của các cán bộ đoàn, công an viên, cựu chiến binh mà em nhận ra điều gì là ý nghĩa trong cuộc sống này. Giờ đây, em đã đoạn tuyệt với ma túy. Em tích cực tham gia các hoạt động, phong trào và mong muốn được cống hiến nhiều hơn”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)