Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Trần Hoài Linh cho biết, nhằm đa dạng các loại cây dược liệu, hướng đến xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, địa phương đã liên kết với Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm triển khai trồng thử nghiệm cây đàn hương tại xã Cam Tuyền.
Có 12 hộ tham gia trồng thử nghiệm với diện tích 4,5 ha (gần 2.000 cây). Đây là diện tích đất đã được người dân trồng cây ăn quả nhưng chưa khép tán.
Quá trình triển khai mô hình, UBND huyện hỗ trợ 50% giá giống, phân bón vi sinh, tương đương hơn 62 triệu đồng. Ngoài ra, người dân còn được tập huấn chuyển giao kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Đàn hương là loại cây dược liệu có xuất xứ từ Ấn Độ mới du nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Cây đàn hương có ưu thế tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ lõi gỗ, rễ cây, lá cây, hạt và rác gỗ để làm tinh dầu, mỹ phẩm…nên mang lại giá trị kinh tế khá cao, được mệnh danh là cây “vàng xanh” hay cây “triệu đô”.
Đàn hương có thể trồng được ở các loại đất khác nhau như đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi nhưng đòi hỏi hệ thống thoát nước tốt, vì không chịu được ngập úng. Cây trồng đến năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch lá; từ năm thứ 4 đến năm thứ 13 cho thu hoạch quả với năng suất trung bình khoảng 1,5 kg/cây/năm; từ năm thứ 13 trở đi là thu hoạch gỗ, trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 20-30 kg lõi, bao gồm lõi thân, lõi rễ và lõi cành. Theo giá thị trường hiện nay, lá đàn hương tươi có giá hơn 100.000 đồng/kg; quả từ 350.000 đồng - 400.000 đồng/kg; lõi gỗ từ 8-10 triệu đồng/kg.
“Hiện nay Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã ký cam kết với UBND huyện trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân nên sau khi trồng thử nghiệm thành công, huyện sẽ cho nhân rộng ra một số địa phương khác có diện tích đất phù hợp với cây đàn hương để vừa tạo vùng nguyên liệu vừa nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Linh cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)