Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được tăng lên mức 1.826-2.444 đồng/kWh. Việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt và kinh doanh.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, theo Zing.
Hiện nay, Nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như quy định cơ chế điều chỉnh giá. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà Nhà nước đã quy định.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu EVN sớm quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, cũng như làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả kiểm tra chi phí và tính toán phương án giá điện năm 2023.
Thực tế, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.
Trước đó, tại hội nghị "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được, theo Dân trí.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)