Ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố quyết định số 766/2022/QĐ-CTN về đặc xá năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Theo quyết định của Chủ tịch nước, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2022. Các đối tượng đặc xá bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Để được đặc xá, người đang chấp hành án phải đáp ứng được các điều kiện. Tiêu chí đầu tiên được xét đến là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù.... Nếu những người này được giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì thời gian đó không được tính là đã chấp hành.
Một điều kiện khác là phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền, đã nộp án phí. Phạm nhân thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt nên không thể thi hành tiếp phần còn lại cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này.
Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng... sẽ được xem xét đặc xá khi chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, có nột số trường hợp thuộc diện không được đặc xá dịp Quốc khánh năm nay. Đó là những người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, những người phạm tội giết người có tổ chức, hoặc có tính chất côn đồ hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ hoặc phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc một lần đối với nhiều người hoặc dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; hiếp dâm có tính chất loạn luân; hiếp dâm trẻ em (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi… cũng thuộc trường hợp không được đặc xá.
Chủ trương nhân văn, nhân đạo, khoan hồng
Tại họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đặc xá là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng; điều kiện đặc xá năm 2022 theo quyết định của Chủ tịch nước cơ bản không có thay đổi lớn so với năm 2021.
Năm 2021, đã đặc xá cho hơn 3.000 phạm nhân, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp nhưng qua theo dõi có 2 trường hợp phạm nhân được đặc xá tái phạm tội, còn lại tất cả phạm nhân khi về nơi cư trú đều hòa nhập tích cực với cộng đồng. Từ thực tiễn này cho thấy, các điều kiện đặc xá như thời gian qua phù hợp với công tác giáo dục phạm nhân.
Trả lời câu hỏi của báo chí về điều kiện đặc xá đối tượng là cán bộ diện Trung ương quản lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, một trong những điều kiện bổ sung là phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự như trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại…
“Các trường hợp phạm tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ khi đã khắc phục (nghĩa vụ dân sự) thì đều bình đẳng như nhau, đều được xét theo quy trình, điều kiện, không phân biệt là phạm tội gì”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.
Về số phạm nhân nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, hiện các trại giam của Việt Nam đang giam giữ 751 phạm nhân. Sau khi rà soát hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ công bố số lượng phạm nhân có quốc tịch nước ngoài đủ điều đặc xá trong đợt này.
Đây là năm thứ hai liên tiếp thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá 2018. Năm ngoái (2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng ký quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và 6 trường hợp đang hoãn chấp hành án phạt tù.
(Nguồn: Ngày Nay)