Do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động du lịch tại Đà Nẵng trở nên ảm đạm. Hàng loạt khách sạn phân khúc ba sao trở lên phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có lượng lớn khách sạn bắt đầu rao bán để trả nợ.
Hạ giá bán để có tiền trả nợ
Trên các diễn đàn bất động sản, những ngày đầu xuân, hàng chục lượt rao bán khách sạn ven biển Đà Nẵng. Đây là hậu quả của một năm ế ẩm do dịch COVID-19, vẫn chưa có hướng cải thiện.
Dọc tuyến biển Đà Nẵng là khu vực tập trung đông đúc khách du lịch đến lưu trú và nghỉ dưỡng. Những hình ảnh đông vui giờ chỉ là quá khứ, bởi dịch bệnh kéo dài.
Kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất, buộc nhiều chủ nhà hàng, khách sạn tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... phải rao bán.
Anh Hoàng Lâm - chủ một khách sạn trên đường Trần Bạch Đằng cho biết, hơn 1 năm qua, để duy trì hoạt động của khách sạn, anh và nhiều người cắt giảm chi phí nhân công, chi phí vận hành… Tuy nhiên, vì vốn cạn kiệt, buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Hiện ở các đường Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương, phố du lịch An Thượng... đều xuất hiện các thông báo rao bán khách sạn, nhà hàng.Theo các chuyên gia bất động sản, tình trạng rao bán khách sạn ở Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện từ đợt dịch COVID-19 thứ 2. Do nhu cầu mua không cao nên các chủ khách sạn giảm khoảng 20% và hướng tới khách hàng ở các tỉnh phía Bắc. Các khách sạn được rao bán với giá cả khác nhau tùy vào vị trí, diện tích, thương hiệu... Khách sạn 3 sao có giá từ 20 - 100 tỉ đồng, khách sạn 4 sao dao động từ 280 tỉ đồng trở lên.
Anh Đỗ Văn Hiển - đại diện Công ty Dana Hotel tại Đà Nẵng phân tích thêm, nếu như các khách sạn 3 sao trở xuống được rao bán công khai trên các trang rao vặt thì khách sạn 4-5 sao lại được rao bán theo một cách hoàn toàn khác. Họ lựa chọn những nhà môi giới uy tín để kết nối, giới thiệu gặp gỡ khách hàng tiềm năng để giao dịch.
"Mặc dù có nhiều hình thức rao bán nhà hàng, khách sạn khác nhau thế nhưng, nhu cầu mua bán của thị trường vẫn không khả quan, nhất là trong thời điểm dịch còn kéo dài như hiện nay" - anh Hiện đánh giá.
Cơ hội để tái cấu trúc thị trường
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, việc rao bán khách sạn, thua lỗ trong kinh doanh là quy luật của thị trường. Nhìn nhận một cách tích cực thì thời điểm này chính là lúc để thị trường du lịch sàng lọc, tái cấu trúc phân khúc nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố.
Trước xu hướng ảm đạm của ngành du lịch, chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục một phần nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.Việc tổ chức đồng loạt các chương trình kích cầu du lịch nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch, chủ các nhà hàng, khách sạn hoạt động trong một thời gian ngắn hạn.
Về lâu dài trong năm 2021, toàn ngành du lịch Đà Nẵng cũng sẽ tập trung huy động các nguồn lực khôi phục hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
(Nguồn: Báo Lao Động)