Hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu.
Ngày 14/11 (theo giờ Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đàm phán về việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã thành công, "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Sau đó, Bộ sẽ phối hợp Millon, các cơ quan liên quan để đưa ấn vàng về nước trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.
"Hồi hương ấn vàng về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, 'chảy máu' ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...", đại diện Bộ cho biết.
Trước đó đoàn công tác của Bộ gồm Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia... cùng nhiều thành viên khác sang Pháp cách đây vài ngày để đàm phán.
Ấn Hoàng đế chi bảo được đấu với mức giá dự kiến từ 2 - 3 triệu euro (từ 48 - 72 tỉ đồng). Cũng trong phiên đấu giá này, một số hiện vật nhà Nguyễn khác cũng được đấu giá như: huân chương, huy chương, phù hiệu, đồng tiền, chén vàng và ấn tín… của vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông với kích thước 13,8 cm x 13,7 cm. Quai ấn hình rồng năm móng ở tư thế cuộn, đầu ngẩng cao, trán khắc chữ 王 (vương), đuôi uốn ra phía sau theo hình xoắn ốc, vây dọc thân rồng, bốn chân chắc chắn.
Mặt trên ấn khắc 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (được làm vào ngày 4/2 năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, tương đương 10,7 kg). Đế ấn có in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Hãng đấu giá cũng nhận định Hoàng đế chi bảo là con dấu quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được đóng lên các sắc phong và văn bản quan trọng nhất của triều đình.
(Nguồn: Phụ nữ mới)