Một thửa đất trồng rừng dự án do Nhà nước quản lý bị một hộ dân lấn chiếm và chuyển nhượng trái pháp luật cho người khác và tiếp tục “sang tay” cho nhiều hộ dân khác. Hậu quả pháp lý của vụ việc là cơ quan Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với 3 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, đồng thời giao thửa đất kể trên cho hộ lấn chiếm, chuyển nhượng ban đầu khiến chính quyền địa phương và các đương sự không đồng ý, gây khó khăn khi thi hành án. Người có quyền lợi bị ảnh hưởng trong vụ việc là ông Nguyễn Xuân Hiệp, ở Xóm Tre, xã Linh Trường, huyện Gio Linh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng và Báo Quảng Trị để phản ánh vụ việc.
Đất nhà nước bị chuyển nhượng trái pháp luật 3 lần
Ngày 12/8/2015, hộ gia đình ông Trần Kim Ngân, bà Nguyễn Thị Thiện, trú tại Khu phố 6, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng với ông Nguyễn Văn Hòa, ở Xóm Bàu, xã Vĩnh Trường (nay là xã Linh Trường, huyện Gio Linh) với diện tích 10 ha. Thửa đất được mô tả trong hợp đồng có vị trí phía Đông giáp đất ông Hồ Văn Sơn; phía Tây giáp đất trồng lúa, khe nước và đất ông Đính; phía Nam giáp đất ông Phan Văn Nghi; phía Bắc giáp sông Bến Hải.
Giá chuyển nhượng là 35 triệu đồng/ha (tổng cộng hợp đồng là 350 triệu đồng). Vì thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất nên ông Ngân, bà Thiện nêu rõ trong hợp đồng chỉ có thỏa thuận của hai bên mà không có xác nhận của UBND xã Vĩnh Trường.
Hơn 3 tháng sau, ông Nguyễn Văn Hòa tiến hành lập giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp 10 ha đất rừng kể trên cho ông Bùi Quang Luyện, ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh với giá trị hợp đồng là 900 triệu đồng. Giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp lần này có xác nhận của UBND xã Vĩnh Trường với con dấu UBND xã và chữ ký Hồ Văn Lâm nhưng không ghi rõ chức vụ.
Gần 4 năm sau, ngày 1/6/2019, ông Bùi Quang Luyện tiếp tục lập giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp để chuyển nhượng 10 ha đất rừng này cho ông Nguyễn Xuân Hiệp, ở Xóm Tre, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh với giá 1,2 tỉ đồng và sử dụng thửa đất này để trồng rừng sản xuất cho đến khi phát sinh tranh chấp.
Như vậy, thửa đất kể trên có nguồn gốc đất trồng rừng theo dự án 327 và hiện nay vẫn quy chủ trên bản đồ địa chính là đất do UBND xã Vĩnh Trường quản lý (nay là xã Linh Trường, huyện Gio Linh). Việc các bên tự ý lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa có giấy CNQSD đất là vi phạm pháp luật.
Đất nhà nước được giao cho người lấn chiếm
Nhận chuyển nhượng đất chưa đầy 1 tháng, ông Nguyễn Xuân Hiệp nhận được thông tin thửa đất bị tranh chấp. Theo đó, ngày 28/6/2019, ông Trần Kim Ngân và bà Nguyễn Thị Thiện có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân (TAND) huyện Gio Linh vì cho rằng ông Nguyễn Văn Hòa (người nhận chuyển nhượng thửa đất đầu tiên với hộ ông Trần Kim Ngân) đã sử dụng đất lấn chiếm diện tích hơn 2,5 ha đất rừng tại thửa đất số 05, tờ bản đồ số 4 đã được cấp giấy CNQSD đất số AK842951 mang tên vợ chồng ông Ngân, bà Thiện.
Quá trình khởi kiện, hộ ông Ngân liên tục thay đổi, bổ sung đơn kiện với nhiều lý do khác nhau và TAND huyện Gio Linh cũng liên tục ban hành các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và tống đạt các văn bản liên quan đến các đương sự. Ngày 23/7/2021, TAND huyện Gio Linh mở phiên tòa dân sự sơ thẩm với yêu cầu của nguyên đơn tuyên bố các hợp đồng vô hiệu. Trước đó, quá trình thụ lý, thu thập chứng cứ và thẩm định tại chỗ đã xác định được, trong tổng số 10 ha được các bên chuyển nhượng trái pháp luật có một phần diện tích đất đã được cấp giấy CNQSD đất cho hộ ông Ngân, bà Thiện, phần chưa được cấp giấy CNQSD đất, đồng thời là đất do UBND xã Linh Trường quản lý là 7,2 ha.
Trên cơ sở quy định pháp luật về xử lý giao dịch dân sự trái pháp luật, hội đồng xét xử đã tuyên bố vô hiệu một phần (vô hiệu với diện tích chuyển nhượng chưa có giấy CNQSD đất là 7,2 ha) đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hộ ông Ngân, bà Thiện với hộ ông Hòa; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hộ ông Hòa với ông Luyện; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Luyện với ông Hiệp. Xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, hội đồng xét xử buộc hộ ông Trần Kim Ngân hoàn trả cho ông Nguyễn Văn Hòa số tiền 252 triệu đồng, tương ứng với 7,2 ha đất (giá giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng là 35 triệu đồng/ha); buộc ông Nguyễn Xuân Hiệp phải giao diện tích 7,2 ha đất rừng tranh chấp cho hộ ông Ngân, bà Hiệp, đồng thời phải di dời toàn bộ tài sản trên đất.
Các đương sự phản ứng và gây khó cho cơ quan thi hành án
Sau khi bản án được tuyên, các đương sự trong vụ án không đồng tình và không tự nguyện thi hành án. Ông Nguyễn Xuân Hiệp cho rằng ông không nhận được bản án, bản án không bảo vệ quyền lợi cho ông và bản án tuyên sai. “Nếu bản án tuyên buộc tôi trả lại phần 7,2 ha đất cho UBND xã Linh Trường quản lý thì tôi chấp nhận, nhưng đây lại là giao cho ông Ngân. Sau này ông Ngân lấy cớ để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất cho mình thì chẳng khác gì hợp thức hóa thửa đất lấn chiếm”, ông Nguyễn Xuân Hiệp bức xúc nói. Về phía ông Bùi Quang Luyện cho rằng cần xem xét dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Trần Kim Ngân khi đưa ra thông tin gian dối để lấy đất của Nhà nước đem chuyển nhượng cho người khác nhằm hưởng lợi.
Đại diện UBND xã Linh Trường cho rằng, cá nhân ông Ngân đã biết rõ thửa đất kể trên là đất rừng dự án 327 do UBND xã quản lý nên đã chủ động thỏa thuận không ra chính quyền xác nhận hợp đồng chuyển nhượng. Về phía bản án, cơ quan Tòa án cần xác định rõ nguồn gốc thửa đất để tuyên một cách khách quan để tránh gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc thi hành án bằng việc di dời tài sản trên đất là cây rừng sẽ gây thiệt hại nặng cho hộ ông Hiệp.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Gio Linh Nguyễn Thị Hiền cho biết, để thi hành bản án, đơn vị đã tổ chức đối thoại giữa các bên đương sự để tìm phương án thi hành án tối ưu. Theo đó, hộ ông Ngân đồng ý hỗ trợ cho ông Hiệp 100 triệu đồng để di dời tài sản nhưng ông Hiệp không đồng ý và có đơn xin hoãn thi hành án để có đơn đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Chính vì vậy, Chi cục Thi hành án huyện Gio Linh đã báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án huyện Gio Linh để xin ý kiến chỉ đạo.
Do gặp khó trong quá trình thi hành án, UBND huyện Gio Linh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại với sự tham gia của các cơ quan chức năng và các đương sự. Phiên đối thoại mới nhất được tổ chức vào ngày 3/11/2022 nhưng các bên đương sự vẫn không có tiếng nói chung. Tại phiên đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa khẳng định: bản án dân sự sơ thẩm số 05 của TAND huyện Gio Linh đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị phải được thi hành. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi công dân, sau khi đương sự có đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và có xác nhận của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, việc thi hành án phải tạm hoãn và chờ trả lời từ cơ quan chức năng để việc thi hành án đảm bảo quy định pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)