UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa có văn bản gửi Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị về việc đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù tại Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Theo đó, Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo cần có chính sách ưu đãi đặc thù về tài chính, tín dụng, đầu tư nhằm ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ biên mậu, tiếp đến là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông lâm nghiệp; Phát triển dịch vụ logistisc, xây dựng khu vực trở thành trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hoá, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo; Rà soát trình Chính phủ, bộ ngành quan tâm xem xét bổ sung nguồn vốn trung ương hỗ trợ mục tiêu chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2021-2025.
Văn bản cũng nêu việc quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có một số nội dung không còn phù hợp với cơ cấu ngành nghề và định hướng phát triển trong tình hình mới và xu thế hội nhập. Vì vậy cần tổ chức rà soát, điều chỉnh trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua đề án nâng cấp hai đô thị Khe Sanh và Lao Bảo.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã làm việc với tỉnh Savanakhet (Lào) về xây dựng mô hình kinh tế xuyên biên giới tại địa phương này.
Theo đó, sẽ đề xuất áp dụng mô hình hai nước, hai khu, có sự thống nhất về cơ chế chính sách, có sự kết nối về hạ tầng (kết nối cứng) và chính sách (kết nối mềm).
Mỗi bên chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hàng hóa xuyên biên giới trên lãnh thổ của mình. Trước mắt, đề nghị áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất đang áp dụng cho các khu kinh tế, khu thương mại, các địa phương,.... Khu kinh tế Việt Nam và Lào, có thể đề xuất tái áp dụng một số chính sách trước đây đã áp dụng cho Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, hàng hóa là nông, lâm, hải sản có xuất xứ từ Lào hoặc Việt Nam, sau khi mua bán, trao đổi tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu vào Việt Nam, Lào.
Doanh nghiệp mỗi nước đầu tư tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được áp dụng thủ tục đầu tư và các chính sách tài chính, tín dụng như đầu tư trong nước. Cư dân biên giới và người làm việc trong Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan được cấp “Thẻ thông hành biên giới” và được đi lại để làm việc.
Theo lộ trình, tháng 6/2022 trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư; quý 3/2022 trình Chính phủ hai nước; dự kiến cuối năm 2022 sẽ có cơ chế chung cho Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densanvan.