Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị xem xét quy định về việc người có bằng lái ôtô trong vòng 1 năm không chạy quá tốc độ 60km/h.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về góp ý sửa đổi bổ sung một số quy định của thông tư 38/2019 và thông tư 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Đáng chú ý, tại văn bản này, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất người mới có bằng lái xe ôtô không được chạy xe trên 60km/h và không được chạy xe trên cao tốc.
Cụ thể, theo Sở GTVT, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TPHCM đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định về việc người có GPLX ôtô trong vòng 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không được điều khiển phương tiện tham gia lưu thông với tốc độ trên 60km/h và không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường cao tốc.
Góp ý quy định về hồ sơ người học lái xe, Sở Giao thông vận tải đề nghị bổ sung quy định về ảnh chân dung của người lái xe trên giấy phép lái xe, tương tự các quy định về ảnh chân dung của công dân trên căn cước công dân. Lý do là vì giấy phép lái xe hiện nay là một loại giấy tờ cá nhân có thể thay thế căn cước công dân trong một số hoạt động xã hội. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh rõ ràng, đảm bảo tính nhận diện trên giấy phép lái xe là cần thiết.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay tại Việt Nam chưa có đơn vị sản xuất ôtô theo yêu cầu của người khuyết tật, đồng thời cũng chưa có hướng dẫn của Cục Đăng kiểm, xác nhận hệ thống điều khiển xe phù hợp để người khuyết tật lái xe an toàn. Còn với tiêu chuẩn sức khỏe đối với người khuyết tật để được cấp giấy phép lái xe, hiện nay các hình thức khuyết tật rất đa dạng. Mặc dù Bộ Y tế có quy định một số hình thức khuyết tật chung, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện.
Do đó, Sở Giao thông vận tải cho hay việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực hiện được. Sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về nội dung đăng kiểm xe, đồng thời đề nghị Bộ Y tế chi tiết hóa điều kiện sức khỏe đối với một số trường hợp khuyết tật đặc thù.
Sở này lý giải đối với đào tạo lái xe hạng B1 cho người khuyết tật: Xe dùng để dạy lái, sát hạch đối với người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn chân trái: là xe ôtô hạng B1 số tự động của người khuyết tật hoặc cơ sở đào tạo hoặc của trung tâm sát hạch; xe phải có kết cấu phù hợp để các tay và chân còn lại của người khuyết tật giữ được vô lăng lái, vừa dễ dàng điều khiển được cần gạt tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng, cần gạt mưa, cần số, cần phanh tay, bàn đạp phanh chân, bàn đạp ga trong mọi tình huống khi lái xe theo đúng chức năng thiết kế của nhà sản xuất ôtô, được cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận hệ thống điều khiển của xe để phù hợp người khuyết tật lái xe an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe tập lái.
Đây cơ sở để thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật, góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu cấp thiết và mong muốn của người khuyết tật được tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật.
(Nguồn: Phụ nữ mới)