Ngày 18/11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri tại các xã Hiền Thành (Vĩnh Linh), Phong Bình (Gio Linh), Phường 2 (thị xã Quảng Trị), Phường 5 (thành phố Đông Hà) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng và các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự buổi tiếp xúc.
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV với cử tri. Cử tri đánh giá cao về chất lượng kỳ họp và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua.
Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật
Nhiều ý kiến cử tri kiến nghị Quốc hội cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Thực trạng hiện nay cho thấy “tuổi thọ” của nhiều văn bản luật còn thấp, có trường hợp văn bản luật vừa được ban hành phải hoãn áp dụng và phải chỉnh sửa; nhiều văn bản luật mới ban hành, áp dụng trên thực tiễn nhưng gặp nhiều vướng mắc, khó thi hành và phải sửa đổi, thay thế.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng văn bản luật có hiệu lực thi hành nhưng không thể áp dụng trên thực tiễn do chưa có văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành, dẫn đến thực trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Mặt khác, nhiều quan hệ xã hội cần phải có pháp luật điều chỉnh, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - xã hội nhưng chưa được xây dựng kịp thời.
Trao đổi với cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng cho biết, để khắc phục tình trạng này, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai. Mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật của Quốc hội, trong đó sẽ tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và khắc phục những bất cập hiện nay. Trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV là hướng đến đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Kiến nghị xử lý những bất cập sau sáp nhập
Cử tri xã Hiền Thành phản ánh một số bất cập khi làm thủ tục hành chính, khó khăn về kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở, trường học sau khi sáp nhập địa giới hành chính. Bộ máy hành chính xã Hiền Thành sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ còn dôi dư nhiều. Vì vậy, kiến nghị xem xét điều chỉnh lệ phí làm thủ tục hành chính công, cụ thể là thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các xã sáp nhập; có chế độ chính sách phù hợp, tạo việc làm cho cán bộ dôi dư, hỗ trợ cán bộ tự nguyện nghỉ việc hoặc không được bố trí việc làm, tránh thiệt thòi cho cán bộ cơ sở.
Tại xã Phong Bình, sau sáp nhập địa giới hành chính 2 xã Gio Phong và Gio Bình, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn vì trụ sở đảng ủy và UBND nằm 2 nơi xa nhau. Bên cạnh đó, việc thay đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, thủ tục đất đai còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Vì vậy, kiến nghị chính quyền các cấp quy hoạch lại trung tâm xã hoặc đầu tư 1 tuyến đường nối 2 trụ sở để thuận lợi cho người dân; có chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân yên tâm sinh sống, làm ăn.
Trả lời cử tri về vấn đề này, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, việc sáp nhập địa giới hành chính, tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn, nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức, giúp các địa phương hoạt động tốt hơn, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao hơn. Trong tháng 12/2021, Quốc hội sẽ tổ chức giám sát quá trình hoạt động của các địa phương được sáp nhập trên toàn quốc. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ giám sát hoạt động của các thôn, xã sau sáp nhập.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Quốc hội cần xây dựng các giải pháp nhằm quản lý tốt việc khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý chất lượng, giá cả thuốc và các loại vật tư y tế; quản lý chặt việc quảng cáo sai sự thất trên mạng internet; có chủ trương phù hợp về việc đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã. Kiến nghị ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời giảm lãi vay cho nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai và COVID-19.
Liên quan đến những vấn đề của địa phương, cử tri kiến nghị đẩy nhanh dự án đường Hùng Vương nối dài. Sớm có giải pháp di dời trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1, tại xã Triệu Giang huyện Triệu Phong. Thực trạng hiện nay nhiều xe đầu kéo “né” trạm thu phí và đi vào thị xã Quảng Trị rồi qua cầu Đại Lộc gây mất an toàn giao thông và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Kiến nghị giao Trung tâm Du lịch hoài niệm cho UBND thị xã Quảng Trị quản lý vì hiện nay trung tâm này không hoạt động, gây lãng phí. Kiến nghị chính quyền, sở, ngành các cấp quan tâm, hỗ trợ nông dân về giá vật tư, phân bón và đầu ra cho nông sản...
Các vị ĐBQH tỉnh tiếp thu các kiến nghị và trao đổi trở lại với cử tri, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét xử lý. Bên cạnh đó, các kiến nghị liên quan đến địa phương đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp thu giải trình theo thẩm quyền.
Nhân dịp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao tặng 20 suất quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng gồm chăn ấm và tiền mặt.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)