Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia góp ý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Hoàng Lê Phương Thanh (TH) |

Ngày 26/10/2021, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và nghe Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận với những nội dung sau:

Về tổng quan, cần khẳng định việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết bởi các lý do trong tờ trình cũng như các ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội tại tổ và tại phiên trực tuyến này. Theo tôi, cần thống nhất nhận thức có tính nguyên tắc sau đây:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận trực tuyến- Ảnh: P.T
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận trực tuyến- Ảnh: P.T
Thứ nhất, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) trước hết phải tuân thủ Luật Công an nhân dân với tư cách là một bộ phận, thành phần bên trong của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, cần làm rõ đặc điểm, tính đặc thù, khác biệt với các lực lượng khác của Công an nhân dân và chỉ hướng đến những vấn đề có tính đặc thù chứ không quy định lại, trùng lắp các quy định mà pháp luật đã quy định cho lực lượng Công an nhân dân.

Thứ hai, xây dựng nội dung dự Luật CSCĐ phải thống nhất, phù hợp với Luật Công an nhân dân cũng như các bộ luật có liên quan khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Từ nhận thức này, tôi xin có mấy ý kiến sau đây:

1. Về vị trí cảnh sát cơ động

Xác định vị trí CSCĐ tại Điều 3, dự thảo Luật CSCĐ gần như trùng lắp với vị trí Công an nhân dân được quy định ở Điều 3, Luật Công an nhân dân; chưa làm rõ, làm bật lên tính đặc thù của CSCĐ, mà vì thế, Quốc hội mới cần có một đạo luật riêng về nó. Xác định đúng vị trí, địa vị pháp lý, tính khác biệt của CSCĐ có ý nghĩa rất quan trọng, nó sẽ chi phối, dẫn dắt toàn bộ nội dung dự án luật. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu xem xét thấu đáo để thiết kế lại nội dung điều luật này bảo đảm yêu cầu: Làm nổi bật tính đặc thù riêng biệt của CSCĐ; bảo đảm không xung đột, mâu thuẫn, trùng dẫm với các lực lượng vũ trang khác được pháp luật quy định.

2. Về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động   

Cần bổ sung vào dự thảo luật một điều về “Phạm vi hoạt động CSCĐ” trên quan điểm làm rõ phạm vi trách nhiệm, không chồng chéo, mâu thuẫn với giới hạn hoạt động của các lực lượng liên quan khác đã được pháp luật hiện hành quy định, nhất là Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển và đồng bộ với quy định của Luật Công an nhân dân.

3. Về thẩm quyền huy động phương tiện, thiết bị tại Điều 17 dự thảo luật

Đây là nội dung cần nghiên cứu rà soát cẩn trọng trên nguyên tắc là phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi họat động của CSCĐ để tránh xu hướng lạm dụng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo với thẩm quyền của các cơ quan, lực lượng khác; xung đột với các quy định pháp luật hiện hành nhất là Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng chống thiên tai… như đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã phân tích.

4. Điều động cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ

Cần xây dựng một điều luật về “Nguyên tắc điều động CSCĐ”. Lý do là CSCĐ là lực lượng Công an nhân dân được tổ chức, trang bị và phương thức hoạt động có tính đặc thù. Do đó, việc huy động sử dụng CSCĐ nhất thiết phải tuân theo những nguyên tắc nhất định và phải được luật pháp quy định. Theo đó, CSCĐ chỉ điều động cho những nhiệm vụ, hoàn cảnh có tính khẩn cấp, phức tạp mà các lực lượng khác không có điều kiện hoặc không thể thực hiện được, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được luật pháp quy định; tránh tùy tiện, lợi dụng, lạm dụng sử dụng lực lượng CSCĐ.

5. Về phối hợp của cảnh sát cơ động.

Cần xác định nội dung nào do CSCĐ chủ trì, nội dung nào CSCĐ phối hợp và làm rõ các quan hệ phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng thuộc Công an nhân dân; với các lực lượng chức năng khác có liên quan; với chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, chỉ thiết kế những vấn đề rất cơ bản, có tính nguyên tắc và cần được quy định vào luật; còn những vấn đề có tính kỹ thuật, nghiệp vụ cụ thể giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn tổ chức thực hiện.

6. Quy định về trang bị, phương tiện của cảnh sát cơ động.

Tại Khoản 2, Điều 21 dự thảo luật quy định “CSCĐ được trang bị tàu bay, tàu thuyền... ”. Đây là một chính sách rất lớn, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể và cân nhắc thận trọng, vì: Các luật hiện hành đã quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của Công an nhân dân, trong đó có CSCĐ; Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển… Về cơ chế phối hợp giữa Quân đội nhân dân (các đơn vị quân đội, trong đó có Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) với Công an nhân dân trong đó có phối hợp huy động phương tiên, trang bị đã được cấp có thẩm quyền quy định và đang thực hiện, vận hành hiệu quả tốt.

Trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ cần phải sử dụng tàu bay, tàu thuyền không nhiều và không thường xuyên. Mặt khác, trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị quân đội cũng như các lực lượng khác phối hợp bảo đảm; hoặc huy động phương tiện, thiết bị theo quy định của dự thảo Luật CSCĐ này.

Hiện nay tàu bay của Không quân nhân dân Việt Nam, tàu thuyền của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan khác đang bố trí ở khắp các khu vực tác chiến, có thể cơ động nhanh để phối hợp với CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, ở bất cứ nơi nào theo yêu cầu quy định. Còn nếu còn vướng quy định của pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung; hay cứ nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng CSCĐ mới thực hiện được nhiệm vụ?

Mặt khác, việc trang bị tàu bay cho CSCĐ thì có phát sinh, xung đột với việc quản lý hoạt động bay, sẽ làm phức tạp thêm trong hoạt động quản lý vùng trời của lực lượng phòng không - không quân không?

Tôi được biết, để trang bị các loại phương tiện này chắc chắn sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia rất lớn và nó rất cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Đất nước còn khó khăn nhưng đã dành dụm, ưu tiên đầu tư rất lớn nguồn lực trang bị cho các lực lượng vũ trang bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó là tiền của Nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm chứ nhất định không thể có tư tưởng “Quyền tôi, quyền anh” gây lãng phí không cần thiết; trong khi quân đội, công an đang rất cần đầu tư thêm nhiều phương tiện, vũ khí để tiến lên chính quy, hiện đại. Vậy, cách nào là tốt hơn, tối ưu hơn?

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy rằng: Có nhất thiết và nhất định phải trang bị riêng phương tiện tàu bay, tàu thủy cho CSCĐ mới thực hiện được nhiệm vụ không? Khi mà chúng ta đã có sẵn sàng các phương tiện để huy động sử dụng khi cần thiết. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá rất kỹ vấn đề này báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Nhân đây, tôi xin đề nghị Bộ công an có báo cáo với Quốc hội biết về tình hình, hiệu quả hoạt động, những đóng góp gì của lực lượng CSCĐ kỵ binh với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội vừa qua.

7. Về chính sách của cảnh sát cơ động

Về nhận thức chung, CSCĐ là bộ phận của lực lượng Công an nhân dân nên được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ được quy định cho lực lượng công an nhân dân. Mặt khác khi thiết kế chính sách cần bảo đảm sự đồng bộ chính sách đối với các lực lượng vũ trang khác tương tự và bảo đảm tính thực tiễn và khả thi. Vì thế, cần nghiên cứu, xem xét toàn diện nội dung Điều 23, chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ cho phù hợp. Ở Khoản 3 quy định về nhà ở công vụ là không phù hợp, không rõ thế nào là công tác ổn định lâu dài và bố trí nhà ở công vụ.

Ngoài ra, một số nội dung có tính kỹ thuật, từ ngữ, tôi đã có ý kiến tại cuộc thảo luận tổ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tiếp tục tìm kiếm người bị nước cuốn trôi do sự cố tàu mắc cạn ở đập tràn Nam Thạch Hãn

Thanh Trúc |

Đến 14 giờ 40 phút, hôm nay 26/10/2021, lực lượng chức năng đã đưa được 7 người trong đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải Quảng Trị bị mắc kẹt trên trụ bê tông nối giữa đập tràn Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) vào bờ. 

Tàu lạ có chữ Trung Quốc trôi dạt vào bờ biển xã Triệu Vân

Phước Trung |

Trung tá Hoàng Bách Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, vào lúc 13 giờ 30 phút, hôm nay 26/10/2021, một chiếc tàu lạ không có người trên tàu bị trôi dạt và mắc cạn tại bãi biển Thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

Đang triển khai cứu nạn 7 người bị mắc kẹt ở đập tràn Nam Thạch Hãn

Thanh Trúc |

Đến 14 giờ hôm nay 26/10/2021, công tác cứu nạn 7 người trong đoàn công tác của Sở Giao thông vận tải Quảng Trị bị mắc kẹt trên trụ bê tông giữa đập tràn Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) và 1 người bị nước cuốn trôi đang được lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng gấp rút triển khai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã vào hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn.

Quảng Trị: Nhiều khó khăn khi nối lại vận tải hành khách liên tỉnh

Lâm Thanh |

Hiện các địa phương trong nước đều đã công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”. Trong 63 tỉnh, thành phố có 26 địa phương cấp độ 1 (vùng xanh), 37 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng). Tuy nhiên, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.