Ngày 24/10/2021, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận trực tuyến với những nội dung sau.
Thứ nhất, cần thấy rằng hình thức xét xử trực tuyến là hình thức mới nhưng không thể thay thế hoàn toàn hình thức xét xử trực tiếp. Hình thức này vừa có ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Vì thế, lựa chọn những vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ, hồ sơ rõ ràng là sự cân nhắc thận trọng và rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị cần bổ sung thêm yêu cầu chỉ xét xử trực tuyến với những vụ án mà ở đó Tòa án nhân dân, các đương sự, bị cáo, các tổ chức, cá nhân liên quan có đủ điều kiện, bảo đảm cho sự tham gia đầy đủ theo yêu cầu xét xử. Nếu không quy định điều này thì tính khả thi để tổ chức các phiên tòa trực tuyến khó thực hiện được hoặc thực hiện không bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu tố tụng.
Thứ hai, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức mới, chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn và hạn chế, vì vậy nhất thiết phải được làm thí điểm, không cầu toàn nhưng phải cầu thị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung để hoàn thiện. Đây là một quá trình thí điểm để đi đến hoàn thiện hình thức mới, tiến đến quy định chính thức và luật hóa để bảo đảm cơ sở pháp lý chắc chắn là điều cần thiết. Ngược lại, nếu quá trình thí điểm phát sinh những vấn đề ngoài dự tính, không như ý muốn thì có thể xem xét toàn diện để có thể tiếp tục hay không việc thực hiện hình thức này hay phải chuyển qua một hình thức nào khác. Từ đó, tôi đề nghị với Quốc hội xây dựng nghị quyết của Quốc hội theo hướng nghị quyết thí điểm và đề xuất cụ thể:
Một, thay đổi tiêu đề nghị quyết thành "Nghị quyết thí điểm về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến".
Hai, xác định thời gian thí điểm 3 năm như đề xuất của Ủy ban Tư pháp Quốc hội là có cơ sở, bởi vì, 3 năm là thời gian cần thiết để chúng ta làm thí điểm, thông qua đó để tổng kết, đánh giá chứ không phải chỉ thực hiện trong 3 năm như báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Ba, sau thời gian thí điểm, tổng kết, đánh giá cần xem xét, bổ sung nội dung này vào các quy định của các luật tố tụng để bảo đảm tính pháp lý, thống nhất, như ý kiến đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là hoàn toàn phù hợp.
Thứ ba, trong phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà, có thông tin trong thời gian qua, được sự nhất trí của Tòa án nhân dân tối cao, đã tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến và đến đây sẽ tiếp tục tổ chức phiên tòa xét xử vụ án hình sự theo hình thức trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy, tôi xin đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin cho Quốc hội được biết, thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo thực hiện được bao nhiêu phiên tòa xét xử trực tuyến và kết quả như thế nào? Và việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến như vậy khi chưa có nghị quyết của Quốc hội quy định liệu có bảo đảm cơ sở pháp lý hay không?
Cuối cùng, nhân đây tôi xin thống nhất và mong Quốc hội lưu ý ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định), đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), về yêu cầu các cơ quan tư pháp khẩn trương giải quyết thỏa đáng, dứt điểm các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay mà đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều lần và báo cáo cụ thể với Quốc hội và Nhân dân được biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)