Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, nộp hồ sơ tới Bộ Y tế sẽ được xem xét.
Trả lời Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tinh thần của Chính phủ là mọi doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất. Mọi loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép đều được nhập khẩu kể cả khi nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh nguồn tin cậy nhất là phải được sự giám sát của Chính phủ nước sở tại hoặc Bộ Y tế.
Đối với những vaccine WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày.
“Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để có vaccine sớm nhất”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.
Thứ trưởng Cường giải thích vaccine là một mặt hàng đặc biệt, là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên chỉ doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được cấp phép nhập khẩu vaccine. Doanh nghiệp nhập vaccine về phải có kho lưu trữ và bảo quản đủ tiêu chuẩn, có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực vaccine, có xe và thiết bị chuyên dụng để vận chuyển vaccine…Khi tổ chức tiêm cũng phải có nhân viên y tế được đào tạo, để sẵn sàng xử lý các vấn đề nếu có rủi ro xảy ra như sốc phản vệ. Bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, nộp hồ sơ tới Bộ Y tế sẽ được xem xét cấp phép, chứ con số không dừng lại ở 36 doanh nghiệp như hiện tại.
Theo Bộ Y tê,s hiện lượng vaccine về Việt Nam rất hạn chế, do đó Chính phủ đang quyết định đối tượng được tiêm trước, vaccine đang được ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, các vùng dịch phức tạp.
Ông Cường cho biết đối tượng ưu tiên hiện tại đã được mở rộng sang công nhân tại các khu công nghiệp, hoặc những người dễ gặp rủi ro về dịch bệnh. Việc tiêm vaccine cho đối tượng nào phải đảm bảo nguyên tắc công bằng trong việc tiếp cận vaccine. Do đó, doanh nghiệp có công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, hay thuộc các ngành nghề gặp rủi ro về dịch bệnh hoàn toàn có thể được ưu tiên tiêm chủng trước khi có nguồn vaccine.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ủng hộ thứ tự ưu tiên tiêm vaccine nên đảm bảo nguyên tắc tiếp cận công bằng, căn cứ vào mức độ rủi ro, và căn cứ vào thứ tự đảm bảo sản xuất kinh doanh. Khi dần dần có đủ vaccine để tiêm cho toàn dân thì mới tính đến các đối tượng tiếp theo.
(Nguồn: Phụ nữ mới)