Chiều 23/8, huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục là tâm chấn của trận động đất mạnh 4,7 độ richter, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này.
Ngày 23/8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết, vào khoảng 14h8 phút cùng ngày, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter.
Độ sâu chấn tiêu của trận động đất này khoảng 8,2 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.Nhiều người dân sinh sống ở TP Kon Tum và các huyện lân cận cho biết cảm nhận rõ sự rung lắc của nhà cửa vào khoảng hơn 14h. Trên các trang mạng xã hội, người dân chia sẻ cảm giác sợ hãi khi thấy đồ đạc trong nhà rung lắc mạnh.
Chị Thúy Hằng (sinh sống tại TP Kon Tum), cho biết chị nằm ngủ dưới nền nhà nên cảm nhận rất rõ nền rung lên, cảm giác như có một xe trọng tải vừa chạy ngang qua nhà. Thời gian rung lắc kéo dài khoảng vài giây rồi kết thúc, theo Zing.
Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn chuỗi hàng trăm trận động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.Tại Kon Plông, động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian từ tháng 4/2021 đến nay, ngay khi công trình Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và vận hành tổ máy số 1 vào ngày 24/3/2021.
Hơn một năm qua, huyện Kon Plông ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó. Các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu bước đầu nhận định, động đất ở Kon PLông là động đất kích thích, xảy ra do hồ thủy điện tích nước.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết, đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, theo TPO.
Động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)