Theo đánh giá của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những sự kiện về địa chính trị, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể.
Trong 4 tháng đầu năm, giá đất tăng cũng như sốt đất xảy ra diện rộng so với thời gian trước đây. Các địa phương xảy ra sốt đất như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.HCM và cả các khu vực lân cận.
Theo đánh giá của VARS, thị trường bất động sản vẫn có những trụ cột tăng trưởng trong năm 2022 nhờ những yếu tố lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn đang giữ nguyên trong dài hạn. Dòng tiền đầu tư thế giới năm 2022, Việt Nam là một điểm đến hứa hẹn, khi các thị trường xung quanh nóng lên hoặc bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, gói kích thích đang trông đợi được tung ra. Chính sách tín dụng có điều chỉnh.
“Năm 2022 sẽ là năm tiếp tục củng cố về thế chế. Tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường”, báo cáo của VARS nêu.
Bất động sản cũng vươn lên vị trí số 2 (năm 2021 bất động sản đứng vị trí thứ 3) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD. Giá trị thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) bất động sản quý 1 cao nhất 5 năm, theo báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý 1 của Cushman & Wakefield..
VARS cho hay, trong 3 tháng đầu năm, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.
Quý 1 cũng chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường...
Theo VARS, giá bất động sản liên tục tăng bất chấp Covid-19 do cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày được hoàn thiện, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Đường cao tốc cũng như các cung đường kết nối, sân bay… đang tạo ra diện mạo mới cho đất nước. Trong cơ cấu giá trị bất động sản, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của bất động sản đó.
Thứ hai, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Theo báo cáo, riêng Bộ Giao thông vận tải trong quý 1/2022 đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước.
Dự kiến bộ này sẽ giải ngân khoảng 50.300 tỷ đồng trong năm 2022, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM.
Thứ ba, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng trong đó gần 114.000 tỷ đồng dành cho các dự án hạ tầng, 110.000 tỷ đồng dành cho các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp sẽ tạo tổng lực giúp nền kinh tế sớm phục hồi, cải thiện sức mua người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Thứ tư, Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình chính trị, xã hội ổn định trong một thời gian dài, tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có mảng bất động sản tăng trưởng đều đặn trong thời gian qua là một minh chứng rõ rệt.
(Nguồn: Phụ nữ mới)