Trong lúc 2 dự án động lực của tỉnh Quảng Trị là Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị và Khu bến cảng Mỹ Thủy (Khu Kinh tế Đông Nam, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chậm tiến độ nghiêm trọng, thì 2 khu tái định cư của 2 dự án đã được chính quyền xây dựng xong, nhưng bao giờ đưa dân trong vùng dự án vào đây “là một câu hỏi khó trả lời”.
Theo UBND huyện Hải Lăng, để phục vụ cho 2 dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị và Khu bến cảng Mỹ Thủy, từ vốn ngân sách, địa phương này đã triển khai xây dựng 2 khu tái định cư, gồm: Khu tái định cư Hải An phục vụ cho dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy ở thôn Thuận Đầu (xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có tổng diện tích 16,5ha. Hiện đã thi công sân, nền, đường giao thông, hệ thống thoát nước, cây xanh, nước sạch với tổng mức đầu tư hơn 64 tỉ đồng; Khu tái định cư Hải Khê phục vụ cho Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị đã hoàn thành với nhiều hạng mục như sân, nền, điện đường, nước sạch, hệ thống nước thải, trường học, trạm xá, trụ sở ủy ban, cây xanh… trên diện tích 50ha với tổng vốn đầu tư khoảng 190 tỉ đồng.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị 7 tháng đầu năm 2021 diễn ra vào ngày 13.8, phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi về việc bao giờ người dân nằm trong vùng dự án được di chuyển đến khu tái định cư Hải An và Hải Khê?. Ông Phạm Ngọc Minh - Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Trị nói rằng “câu hỏi rất khó trả lời, vì quyết định phụ thuộc vào nhà đầu tư”.
Thực tế, sau khởi công, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị chậm tiến độ nghiêm trọng. Cụ thể, vào năm 2020, Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (chủ đầu tư) tổ chức lễ khởi công Khu bến cảng Mỹ Thủy với tổng vốn đầu tư hơn 14,2 nghìn tỉ đồng. Từ đó đến nay, công ty nói trên không thực hiện đúng các nội dung như đã cam kết về chứng minh năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu, ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường.
Tương tự, dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị công suất 1.200MW do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 55 nghìn tỉ đồng, khởi công vào cuối năm 2019 đến nay đang đắp chiếu.
Trong lúc địa phương lúng túng, nhà đầu tư “án binh bất động”, thì những hộ dân nằm trong vùng dự án rất nóng lòng. Bởi, nằm trên dự án treo, không được, sửa chữa, cơi nới nhà cửa, trong lúc mùa mưa bão đến gần…