Trong thời gian tới, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, thời điểm từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 là vụ thu hoạch các mặt hàng hoa quả, nông sản, đồng thời cũng là dịp Tết Nguyên đán của hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Do vậy nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân hai nước sẽ tăng mạnh; lượng hàng hóa xuất nhập khẩu có khả năng tăng cao và dồn về các cửa khẩu.
Nhờ nỗ lực của lực lượng chức năng hai bên biên giới, dự báo thời gian tới lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Để tiếp tục đảm bảo năng lực thông quan, thúc đẩy tối đa hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Ủy ban Nhân dân các huyện biên giới và cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường nghiên cứu, trao đổi, hội đàm với cơ quan hữu quan phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tạo sự đồng thuận, có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và thống nhất giải quyết vấn đề phát sinh liên quan.
Các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch các quy trình, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ để thúc đẩy tối đa hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn, tạo sự tin tưởng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu và của bộ, ngành Trung ương.
Cùng đó, lực lượng chức năng cần chủ động xây dựng phương án đảm bảo phân luồng giao thông, phương tiện và thực hiện hoạt động thông quan trong thời kỳ cao điểm hai tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 để hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh; tăng cường hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu để tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong triển khai thực hiện nền tảng cửa khẩu số…
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung để việc triển khai thực hiện nền tảng cửa khẩu số đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế trong hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương; đề xuất biện pháp, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện khai báo trên nền tảng cửa khẩu số hoặc khai báo không kịp thời, không chính xác, không hợp tác với các lực lượng chức năng gây ùn ứ, ách tắc phương tiện vận tải tại khu vực cửa khẩu; rà soát lại toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp đảm bảo phù hợp, hiệu quả…
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nhờ sự chủ động, tích cực của lực lượng chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện biên giới và doanh nghiệp kinh doanh bến bãi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quá trình thông quan hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn được diễn ra liên tục, thông suốt.
Tuy vậy, tình hình xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh; trong đó nguyên nhân trực tiếp là do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như chính sách “Zero COVID-19,” yêu cầu thiết lập vùng đệm, vùng xanh và những nội dung thay đổi liên tục trong phương thức giao nhận hàng hóa.
Mặc dù hệ thống hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đầu tư, mở rộng nhưng chưa đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, kho hàng, bến bãi xe, hệ thống máy móc, trang thiết bị hỗ trợ... hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch, truyền thống được hình thành và diễn ra đã lâu nên đến nay đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, rủi ro…
(Nguồn: Ngày Nay)