Tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn vẫn còn khá cao trong khi sức tiêu thụ của người dân thấp, thu nhập giảm.
Những ngày gần đây giá lợn hơi có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình.
Cụ thể vào cuối tháng 8 vừa qua, giá lợn hơi trung bình của cả nước dao động từ 8.000-83.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 7. Đến những ngày đầu tháng 9, giá mặt hàng này đã giảm mạnh, thậm chí xuống 74.000 đồng/kg, tức giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất hồi tháng 6.
Theo Bộ Công thương, việc giảm giá là do đại dịch bùng phát trở lại ảnh hưởng đến sức mua, kèm theo đó là nguồn cung tăng, các công ty chăn nuôi có thị phần lớn trong nước cũng tăng tái đàn.
Ở các chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa), chợ Nhân Chính, Chính Kinh (Thanh Xuân)… giá thịt lợn đã giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn ở Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), thịt ba chỉ dao động 140.000-150.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), thịt sườn non 160.000-180.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng), thịt nạc vai từ 135.000-150.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), thịt chân giò 120.000-130.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng)…
Tuy nhiên, sức tiêu thụ nhìn chung vẫn thấp, tiểu thương không dám nhập nhiều vì hàng ế. Nhiều người cho rằng so với mặt bằng chung của các loại thực phẩm khác thì giá thịt lợn vẫn đắt, trong khi thu nhập lại giảm. Nếu liên tục giữ giá cao thì người tiêu dùng sẽ quen dần với việc sử dụng các thực phẩm thay thế.
Trước đó ngày 3/9, tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá lợn hơi giảm vừa qua do lượng thịt nhập khẩu lợn thịt và thịt lợn tăng, số lượng lợn tái đàn cũng tăng đáng kể trong thời gian ngắn.
“Dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV/2020, cung cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ đưa về mức hợp lý, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, đồng thời vẫn giúp người chăn nuôi có lãi”, ông Trọng nói.
Theo ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hưng Yên, trên địa bàn đang tăng cường nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức. Hưng Yên kiên quyết nghiêm cấm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư tái đàn, tăng đàn lợn nhất là các hộ đã để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và không đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.
(Nguồn: Phụ nữ mới)