Cuối tháng 4/2022, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ thông tin tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trên toàn quốc. Trong văn bản này, một con số liên quan đến Quảng Trị là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 18,48%.
Trong 3 tháng vừa qua, có tháng, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn chỉ đạt 2,9%. Đáng trăn trở hơn, đến hết tháng 3/2022, tiến độ giải ngân vốn vay ưu đãi nước ngoài của tỉnh bằng 0. Đặt cạnh lượng vốn đầu tư công cần đưa vào nền kinh tế của tỉnh năm 2022 khá lớn, vượt kế hoạch đề ra, đạt khoảng 4.162 tỉ đồng, những con số nói trên là điều đáng suy ngẫm, trăn trở.
Lâu nay, lãnh đạo tỉnh nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây là cách để kích hoạt và huy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; giải quyết việc làm; tăng thu nhập của người dân; đẩy mạnh thu ngân sách; đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế… Thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ nhiều năm qua đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đang tập trung thực hiện chương trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, các giải pháp đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công luôn nhận được sự quan tâm. Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Riêng trong tháng 3 và 4/2022, UBND tỉnh đã có 2 chỉ thị quán triệt các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Từ nhận thức sâu sắc ấy, ngay sau khi nắm bắt thông tin trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tại hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã chỉ rõ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, việc chậm giải ngân là do những tháng đầu năm trùng với thời gian nghỉ Tết âm lịch và trùng thời gian thanh toán, giải ngân tháng cuối của kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Trong thời gian này, các sở, ban, ngành, địa phương chủ yếu tập trung nghiệm thu, thanh toán khối lượng các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp đang thi công theo tiến độ. Các dự án mới chưa có khối lượng để giải ngân vì phải thực hiện hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng…
Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác cũng đã được đưa ra phân tích, làm rõ như: Diễn biến bất lợi của thời tiết; việc thẩm định, phê duyệt dự án chậm; nguồn đất đắp, đất san lấp thiếu hụt; giá nguyên, nhiên liệu và nhiều vật liệu xây dựng tăng cao; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; quy trình, thủ tục thực hiện các dự án có vốn vay ưu đãi nước ngoài phức tạp, kéo dài…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao với cùng một cơ chế, chính sách, có sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố giải ngân tốt nhưng nhiều đơn vị, địa phương lại ì ạch, tồn đọng? Có thể dẫn chứng cụ thể một số đơn vị của tỉnh có tỉ lệ giải ngân tốt như: Ban An toàn Giao thông tỉnh (61%), Sở Nông nghiệp và PTNT (46%), Sở Thông tin - Truyền thông (37%), TP. Đông Hà (32%)… Ngược lại, trên địa bàn còn 16 sở, ngành và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp dưới cả mức trung bình của tỉnh. Thậm chí, một số đơn vị còn… chưa giải ngân. Đến hết tháng 4/2022, còn 32 dự án của 12 sở, ngành và 5 địa phương đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn chưa giải ngân với tổng số tiền lên đến 504,694 tỉ đồng.
Không chỉ dẫn đến tình trạng bị cắt giảm, thu hồi vốn, việc chậm giải ngân còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương. Thực tế này còn làm tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh và công tác huy động các nguồn lực đầu tư xã hội. Vì thế, ngay sau khi xác định nguyên nhân, lãnh đạo UBND tỉnh đã lập tức họp và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân đầu tư công như: Sớm tháo gỡ vướng mắc về vật liệu xây dựng và đất đắp để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục thẩm định dự án, thiết kế dự toán công trình; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng, chất lượng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; thành lập tác tổ công tác, kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các giải pháp trên thì chưa đủ. Như đã phân tích, rất dễ để nhận thấy, sự ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh có một phần trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương. Ngay tại cuộc họp vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã khẳng định, trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Vì thế, đã đến lúc cần xem xét kỹ hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm này. Thiết nghĩ, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương mình để không xảy ra tình trạng “rót” nhiều vốn nhưng sử dụng không đáng bao nhiêu. Không chỉ kiểm điểm, yêu cầu rút kinh nghiệm, cần xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu tiếp tục chậm trễ, không giải ngân vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)