Với "sách trắng" (white list) về các kênh, trang "sạch" được công bố cùng ngày, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để làm việc với đối tác.
Ngày 23/3, Bộ TT&TT đã ra văn bản về việc tuân thủ pháp luật hoạt động quảng cáo trên mạng được ký ban hành ngày 23-3. Với "sách trắng" (white list) về các kênh, trang "sạch" được công bố cùng ngày, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để làm việc với đối tác.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khẳng định việc tuân thủ các quy định về quảng cáo trên mạng không những giúp bảo vệ uy tín của các thương hiệu, nhãn hàng mà còn góp phần ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, đẩy lùi những kênh có nội dung xấu, độc hại...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đỗ Xuân Anh, phụ trách truyền thông Công ty FPT Telecom, cho rằng việc công bố các trang, kênh "sạch" và khuyến nghị các nhãn hàng chạy quảng cáo trên các trang, kênh này là hợp lý.
"Quảng cáo cũng chính là các nội dung của sản phẩm, bộ mặt thương hiệu của nhãn hàng, của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quảng cáo hiển thị ở các nền tảng, các vị trí hay các nội dung "sạch", các thông tin lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng và cần thiết đảm bảo được sự an toàn của thương hiệu và môi trường kinh doanh lành mạnh", bà Anh nói.Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử Trường FPT Polytechnic, cũng cho rằng động thái của Bộ TT&TT không chỉ mang đến môi trường cạnh tranh bình đẳng mà còn bảo vệ nhà quảng cáo chân chính, nâng cao uy tín nhãn hàng, bảo vệ cả khách hàng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các nền tảng xuyên biên giới để quảng cáo hàng giả hàng nhái, thuốc, mỹ phẩm... kém chất lượng. Trong khi đó, muốn quảng cáo trên truyền hình, báo chí... phải cung cấp hàng loạt giấy tờ chứng minh độ xác thực.
"Điều đó đã làm tồn tại sự chênh lệch lớn trong khâu kiểm duyệt. Phía nền tảng xuyên biên giới YouTube, Facebook... quản lý còn lỏng lẻo, có thể luồn lách, trong khi nhiều đơn vị trong nước lại phải kiểm duyệt nội dung quá chặt chẽ. Vì thế cục bất bình đẳng nên các đơn vị tuân thủ pháp luật Việt Nam lại bị thất thu", ông Huy đánh giá.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018 đã quy định về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục... Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định rõ mức phạt từ 40 - 60 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm các quy định trên.
Nhưng trong thực tế, nhiều nhà sáng tạo nội dung số sử dụng những hình ảnh, xây dựng nội dung bạo lực, giật gân nhằm câu view để thu được nhiều tiền quảng cáo, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo và người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo có nội dung không lành mạnh hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, YouTube, Facebook chưa đủ đảm bảo an toàn. Bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo và các nền tảng này cũng chưa thật sự chủ động cập nhật tài khoản người dùng, kênh có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Trường Sơn - chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết ngoài việc cập nhật liên tục cho white list, Bộ TT&TT cần bổ sung quy định siết quảng cáo kèm với các biện pháp chế tài nghiêm khắc.
"Luật quảng cáo đã ra đời từ năm 2012, đến nay đã hơn chục năm, trong khi ngành quảng cáo không ngừng thay đổi nên cần sửa đổi luật để thích ứng với sự phát triển của thời đại", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, để tự bảo vệ uy tín và tránh các rủi ro về pháp lý, các nhãn hàng và doanh nghiệp phải chủ động đàm phán với bên chạy quảng cáo cho mình, ràng buộc bởi các điều khoản cụ thể trong hợp đồng liên quan đến việc quảng cáo trên white list.
"Để làm trong sạch môi trường quảng cáo, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà quảng cáo, nhãn hàng và cơ quan quản lý", ông Sơn khuyến cáo.
(Nguồn: Phụ nữ mới)