Người Lào đang lo lắng rằng một loạt quảng cáo “tìm vợ” gần đây trên mạng xã hội với đề nghị trả hàng nghìn đô la mỗi tháng nhằm dụ dỗ các phụ nữ trẻ tham gia các hoạt động buôn người, nơi họ sẽ bị lạm dụng và buộc phải làm việc như nô lệ.
Một quảng cáo gần đây trên Facebook với nội dung “Tìm vợ Lào; một mức lương tốt: 100 triệu kip [gần US $6.000] mỗi tháng,”. Mức tiền 100 triệu Kíp/tháng là một khoản tiền mà những người lao động phổ thông, nhất là khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa tại Lào không dám mơ đến.
Một người khác trên trang web tin tức NBC Lao News cũng quảng cáo: “Người độc thân có thể nộp đơn; muốn tìm vợ Lào; lương: 100 triệu kíp; chia sẻ ngay lập tức!”
Người dân tại các thành phố phần lớn nhận thức được trò lừa đảo do có trình độ nhận thức cao và được tiếp cận với nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, người dân ở khu vực nông thôn, nhiều người trong số họ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đã mắc bẫy. Những phụ nữ mắc lừa đã bị đưa sang Trung Quốc hoặc bị ép làm việc ở Đặc khu kinh tế Tam giác vàng, một trung tâm cờ bạc và du lịch phục vụ người Trung Quốc tại tỉnh Bokeo, nơi tiếp giáp với Thái Lan và Myanmar.
Theo thông tin từ cha mẹ một nạn nhân, những người đàn ông Trung Quốc sẽ đến Lào, thiết lập một số kiểu quan hệ như bạn trai-bạn gái với các cô gái và phụ nữ Lào, sau đó trả của hồi môn cho cha mẹ và cưới họ. Nhưng khi con gái của họ được đưa đến Trung Quốc, cha mẹ của họ không thể liên lạc được với họ. Một số kẻ buôn người hoặc người trung gian là người quen biết đã dụ dỗ nạn nhân bằng cách hứa hẹn rằng họ sẽ làm việc ở nước láng giềng, nơi họ có thể kiếm được nhiều tiền.Tuyệt vọng vì tiền
Lào là điểm nóng cho những phụ nữ bị buôn bán qua biên giới để kết hôn với đàn ông Trung Quốc, do vấn đề mất cân bằng giới tính ở nước này.
Khó khăn kinh tế ở các địa phương của Lào do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm bùng phát làn sóng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái Lào sang Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm với lạm phát gia tăng, đồng tiền mất giá, nợ công thuộc sở hữu nước ngoài ngày càng tăng đã khiến nhiều người lao động Lào gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Chính quyền Lào tổ chức chiến dịch chống lại sự nguy hiểm của nạn buôn người mỗi tháng một lần trong tỉnh, cố gắng giáo dục công chúng về luật chống buôn người của đất nước và sự nguy hiểm của các hình thức buôn người khác nhau, nhưng thông điệp của họ bị bỏ ngoài tai. Một nạn nhân cho biết: “Các cô gái và phụ nữ sẽ không chú ý đến chiến dịch tuyên truyền chống buôn người của Chính phủ Lào vì họ cần tiền. Họ muốn cải thiện điều kiện sống nên đồng ý lấy chồng Trung Quốc”.
Tình trạng buôn người tại Lào vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 30/7/2022, báo cáo nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống Buôn bán Người cho biết có khoảng 540 người Lào trong đó có 448 phụ nữ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người kể từ năm 2014. Chính phủ Lào đã xác định được 110 nạn nhân bị buôn bán vào năm 2021, bao gồm 30 phụ nữ trưởng thành, 62 bé gái, 5 nam giới trưởng thành và 13 bé trai, mặc dù không xác định được loại hình buôn bán nào mà họ phải chịu.
Trong khi đó, vào năm 2020, Chính phủ Lào đã báo cáo có 142 nạn nhân bị buôn bán, trong đó có 21 nạn nhân bị buôn bán vì mục đích tình dục, 39 nạn nhân bị buôn bán lao động, 66 nạn nhân của hôn nhân lừa đảo và 16 nạn nhân của các hình thức bóc lột khác.
Các số liệu thống kê nêu trên cho thấy tình trạng buôn người tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và người Trung Quốc đến Lào tăng mạnh trong thời gian tới, tình trạng buôn người tại Lào được dự báo sẽ tiếp tục có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi Chính phủ Lào và các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai những biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát và ngăn chặn loại tội phạm này.
(Nguồn: Tạp chí Lào-Việt)