Hàng nghìn trẻ em Ấn Độ mồ côi, không nơi nương tựa do đại dịch COVID-19. Chúng phải đối mặt với tình trạng đói ăn và nguy cơ bị buôn bán, tấn công tình dục...
Tháng 4, cậu bé Pratham 5 tuổi và em trai 10 tháng tuổi Ayush phải chịu cảnh mất cha do đại dịch COVID-19. Nhiều ngày sau, người mẹ cũng ra đi tại một bệnh viện khác ở thành phố Delhi, Ấn Độ.
Cả hai đứa trẻ đều không biết tại sao cha mẹ chúng đã lâu ngày không trở về nhà. Người thân nói với Pratham rằng cha và mẹ cậu bé đang đi làm. Nhưng Pratham vẫn tiếp tục hỏi, và mỗi ngày việc tìm kiếm lời giải đáp lại càng trở nên khó khăn hơn.
Sau đó, người thân đã quyết định liên hệ với một tổ chức phi chính phủ phụ trách nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có trụ sở tại Delhi. Tổ chức này đang tìm người nhận nuôi cả Pratham và em trai của cậu bé.
Ngoài ra, Sonia, 12 tuổi và em trai Amit, 7 tuổi cũng mất cha trong đợt đại dịch đầu tiên vào tháng 6/2020. Mẹ của cả hai mất vào đợt bùng phát COVID–19 hồi tháng 4 năm nay. Hiện tại, bà nội đang chăm sóc hai cậu bé. Bà lo lắng về tương lai của cháu mình, nhưng không muốn để người khác nhận nuôi chúng.
"Sau này, ai sẽ chăm sóc những đứa trẻ này? Chúng là máu mủ của con trai và con dâu tôi. Có rất nhiều người đến xin nhận con nuôi. Làm sao tôi có thể cho chúng đi được?", bà của Sonia và Amit nói.
Ngoài hai câu chuyện trên, có không ít các trường hợp tương tự đang diễn ra trên khắp Ấn Độ dưới sự ảnh hưởng của đại dịch. COVID-19 đã tàn phá các gia đình, khiến nhiều trẻ em trở thành trẻ mồ côi.
Smirti Irani, Bộ trưởng phụ nữ và phúc lợi trẻ em gần đây đã chia sẻ trên Twitter rằng từ ngày 1/4 đến ngày 25/5 có ít nhất 577 trẻ em mất cả cha lẫn mẹ do COVID-19. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã công bố các biện pháp giúp đỡ trẻ em mồ côi, với quỹ khoảng 13.970 USD (gần 322 triệu đồng). Số tiền này sẽ được trao cho trẻ em mồ côi như một khoản trợ cấp.
Luật nhận con nuôi nghiêm ngặt
Ấn Độ có luật nhận con nuôi rất nghiêm ngặt, mỗi bang đều có ủy ban phúc lợi và bảo vệ trẻ em phụ trách bổ nhiệm các quan chức ở các quận. Một số tổ chức phi chính phủ cũng giúp các ủy ban trong việc xác định trẻ em có nguy cơ.
Ngoài ra, cũng có một cổng thông tin quốc gia về việc nhận con nuôi, nơi những người có mong muốn có thể tự đăng ký. Việc nhận con nuôi hoàn tất sau khi tất cả các kiểm tra cần thiết được thực hiện và có tuyên bố nhận con nuôi hợp pháp từ ủy ban phúc lợi trẻ em của tiểu bang.
Tuy nhiên tỷ lệ nhận con nuôi của Ấn Độ rất thấp, chỉ 3.351 trẻ em được nhận nuôi trong năm, tính đến tháng 3/2020, trong khi có hàng chục nghìn trẻ em mồ côi. Trong khi ở Mỹ, hơn 66.000 trẻ em đã được nhận làm con nuôi vào năm 2019.
Chưa kể mức độ nghiêm trọng của vấn đề đã tăng lên đáng kể sau làn sóng COVID–19 thứ hai ở Ấn Độ, ông Anurag Kund - chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em Delhi cho biết.
Ông Kundu nói: "Trong đời tôi chưa bao giờ nghe nói về nhiều người chết trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, họ chắc chắn đã bỏ lại rất nhiều trẻ em dưới 18 tuổi. Đó là tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Tiến sĩ Preeti Verma, một thành viên của ủy ban phúc lợi trẻ em của bang, cho biết, tại Uttar Pradesh - bang đông dân nhất của Ấn Độ hơn 1.000 trẻ mồ côi do COVID-19 đã được xác định.
Theo bà Verma, trên phạm vi toàn quốc gia, con số thực có lẽ cao hơn. Ủy ban đã yêu cầu cảnh sát, nhân viên y tế cấp thôn và trưởng thôn tìm kiếm và xác định những trẻ em mồ côi. Theo ông Kundu, cần tập trung ngắn hạn vào chăm sóc nuôi dưỡng thay vì nhận nuôi hoàn toàn để tạm thời giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, việc chăm sóc thay thế tại gia đình cũng là một giải pháp. Điều này cho phép trẻ em được gia đình và bạn bè chăm sóc, trong khi trẻ không phải chờ đợi quá lâu để được nhận làm con nuôi.
Các chuyên gia cho rằng chăm sóc thay thế có thể giúp cải thiện tỷ lệ nhận con nuôi ảm đạm của Ấn Độ vì nhiều gia đình có thể tạm thời trông nom những đứa trẻ không nơi nương tựa. Điều này sau đó có thể thúc đẩy họ chính thức nhận nuôi trẻ.
Vấn nạn buôn bán trẻ em
Trong đại dịch COVID-19, nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm sự trợ giúp về giường bệnh, oxy và thuốc men. Và hơn cả thế, mạng xã hội cũng tràn ngập những lời kêu gọi nhận nuôi những đứa trẻ có cha mẹ đã chết vì đại dịch.
Tuy nhiên việc chia sẻ công khai số điện thoại và hình ảnh của trẻ em làm dấy lên lo ngại về nạn buôn người. Ông Kundu cảnh báo mạng xã hội có thể trở thành một dịch vụ mua bán thương mại, nơi mọi người có thể chọn trẻ em làm con nuôi.
Ông Kundu cho biết nhóm của ông đã phát hiện một trang Facebook tìm kiếm người nhận trẻ em mồ côi làm con nuôi. "Một nhân viên của tôi đã gọi đến số điện thoại trên trang Facebook, và họ báo giá 7.000 USD (hơn 161 triệu đồng) cho một đứa trẻ. Chúng tôi đã báo cảnh sát."
Ấn Độ luôn có nhiều lo ngại rằng trẻ em có thể bị bóc lột để làm công việc lao động chân tay giá rẻ hoặc thậm chí là rơi vào ổ mại dâm. Sonal Kapoor, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Protsahan có trụ sở tại Delhi, cho biết tổ chức của cô đã gặp phải những trường hợp cha hoặc mẹ đã qua đời và người còn lại, thường là cha, buộc con cái phải làm các công việc chân tay.
Điều đó tạo ra nhu cầu tìm kiếm những đứa trẻ không hoàn toàn mồ côi, chỉ mất cha hoặc mẹ. Bà cho biết có trường hợp, người cha bắt đầu tấn công tình dục các con gái của mình sau khi người mẹ nhiễm COVID-19 nặng.
Bà nói: "Trẻ mồ côi do COVID–19 là một vấn đề lớn nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật. Số lượng trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ cũng rất lớn và chúng cũng cần được quan tâm như nhau".
Bà Kapoor cho biết tổ chức Protsahan đã nhận được rất nhiều cuộc gọi đau lòng trong đại dịch. Một cuộc gọi đến từ hai đứa trẻ có cha đã chết trong bệnh viện nói chúng cần giúp đỡ để hỏa táng ông, vì mẹ của chúng cũng bị suy nhược do COVID-19.
Trong một gia đình khác có người mẹ mất vì COVID-19, người cha bị sốc đến nỗi không thể lo việc ăn uống cho các con. Bà nói: "Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ người thân nhờ giúp đỡ để lo bữa ăn cho các cháu".
Chính quyền các bang đã bắt đầu tăng cường nỗ lực chăm sóc và hỗ trợ những đứa trẻ mồ côi do ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải làm nhiều điều hơn thế nữa.
(Nguồn: BBC)