Theo cơ quan khí tượng, thông thường, hiện tượng nồm ẩm "đổ mồ hôi" trơn trượt, sẽ xuất hiện từ đầu tháng Hai và kéo dài đến hết tháng Tư.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đang trong giai đoạn nồm ẩm khi độ ẩm không khí tăng cao trên 85%, kèm theo mưa phùn, sương mù.
Thông thường, hiện tượng nồm ẩm khiến tường nhà, bờ tường, sàn nhà "đổ mồ hôi" sẽ xuất hiện từ đầu tháng Hai và kéo dài đến hết tháng Tư.
Thông tin về xu thế thời tiết trên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết từ đầu tháng Hai trở đi, không khí khô được thay thế bằng khối không khí ẩm. Giai đoạn này, các tỉnh Bắc Bộ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trời rét về đêm và sáng.
Theo quy luật khí hậu, tháng Hai hàng năm vẫn là tháng chính của mùa Đông, do đó không khí lạnh vẫn còn tác động mạnh đến nước ta. Do đó, hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội từ tháng Hai đến tháng Tư hằng năm.
Thời gian nồm ở miền Bắc cũng xuất hiện với các đợt khác nhau. Có đợt kéo dài vài ngày, cũng có đợt kéo dài cả tuần. Riêng trong ba tháng này sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt nồm dài ngắn khác nhau. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi được khi nào gió mùa Đông Bắc tràn về.
Ông Hưởng cũng lưu ý mưa nhỏ, mưa phùn và sương mùa là một trạng thái thời tiết theo mùa ở miền Bắc, thường xuất hiện giai đoạn mùa Xuân, độ ẩm không khí tăng cao, ẩm ướt khó chịu. Thời gian độ ẩm tăng cao cũng là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, ô nhiễm tăng cao, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ vì hiện tượng nền nhà ẩm thấp có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại rau vụ Xuân nhất là bệnh sương mai, chết rũ và rệp muội chích hút nhanh chóng làm ruộng bị thối hỏng hàng loạt nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời.
(Nguồn: VIETNAM+)