Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng mướp khía

Nam Phương |

Dù không đầu tư quá nhiều cho giống, phân bón hay công chăm sóc, song cây mướp khía vẫn đạt năng suất và sản lượng cao. Thời gian qua, mô hình trồng mướp khía tại xã bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Thời điểm này, cũng giống như nhiều hộ dân khác tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy đang tất bật thu hoạch mướp khía tại vườn. Năm nay, gia đình chị trồng tổng cộng 2,5 sào mướp. Nhờ chăm sóc tốt nên diện tích trồng mướp khía của gia đình chị phát triển tốt, trái xanh đẹp, năng suất cao.

Trao đổi với phóng viên, chị Thủy cho biết so với các loại cây màu khác thì mướp khía ít bị sâu bệnh, nếu bị ong chích thì chỉ sử dụng thuốc sinh học chứ không dùng thuốc trừ sâu nên rất an toàn. Không chỉ năng suất cao mà mướp khía còn ăn ngon ngọt, dễ bán. “Mướp khía đầu mùa có giá khoảng 22.000 đồng/kg, hiện giảm còn 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Mô hình trồng mướp khía tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân -Ảnh: N.P
Mô hình trồng mướp khía tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân -Ảnh: N.P
Với kỹ thuật trồng đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc, mô hình trồng mướp khía đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi và các hộ trồng mướp trong thôn. Ngoài ra, tôi cũng trồng xen canh với các loại rau màu khác để đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình”, chị Thủy bộc bạch.

Tương tự, kể từ khi cây mướp khía bắt đầu cho thu hoạch, vào khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày, vợ chồng chị Trần Thị Hạnh, ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái đều hái được khoảng 1 tạ mướp, sau đó sắp đặt cẩn thận lên xe để chở đi bỏ mối các chợ vào sáng sớm hôm sau.

Với hiệu quả kinh tế mà mướp khía mang lại từ những năm trước, năm nay, gia đình chị Hạnh quyết định mở rộng diện tích trồng mướp khía lên tổng cộng 5 sào. Để thuận tiện cho việc thu hoạch, thay vì trồng đồng loạt, giữa các ruộng mướp được chị trồng cách nhau từ 10 - 15 ngày.

Là người có gần 20 năm kinh nghiệm trong trồng mướp khía, chị Hạnh cho biết, đây là loại cây ngắn ngày phù hợp với đất cát, dù không tốn công chăm sóc song lại phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên cần lưu ý để mướp không bị chết là lúc làm đất phải lên liếp cao, có rãnh thoát nước tốt để cây không bị đọng nước. Khi mướp cao 20cm - 30cm thì mua lưới và cây về làm giàn cho mướp leo.

“Mướp khía rất nhanh cho thu hoạch, từ lúc trồng đến khi mướp khía ra trái chỉ khoảng 55 - 60 ngày. Thời gian thu hoạch từ 30 - 35 ngày và có thể kéo dài hơn nếu cây mướp được chăm sóc tốt. Hiện, vườn mướp mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập từ 1,5 triệu đồng - 1,7 triệu đồng/ngày”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo tính toán, nếu được giá, vụ mướp khía năm nay vợ chồng chị sẽ thu được trên 70 triệu đồng. Được biết sau mỗi vụ mướp khía, chị Hạnh đều chủ động cất hạt giống để tiếp tục chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Tuy nhiên, với những hộ gia đình có nhu cầu, chị đều sẵn sàng chia sẻ hạt giống và kinh nghiệm trồng mướp hiệu quả của gia đình mình.

Điều này đã phần nào giúp mô hình mướp khía ngày càng được nhân rộng trên địa bàn thôn Đông Luật nói riêng và xã Vĩnh Thái nói chung, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Mướp khía vốn có nhiều công dụng trong y học như thanh nhiệt, giải độc, chữa viêm xoang, viêm mũi...; lại là thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món ngon quen thuộc trong bữa cơm của người Việt từ bao đời nay nên luôn được thị trường ưa chuộng.

Trưởng thôn Đông Luật Hồ Sỹ Dưỡng cho biết, toàn thôn hiện có khoảng 10 hộ trồng mướp khía với diện tích từ 2 - 5 sào/hộ. “Kỹ thuật trồng đơn giản, chi phí ban đầu thấp nhưng mang lại năng suất cao, thế nên mô hình mướp khía đang mang lại cho người dân trên địa bàn thôn nguồn thu nhập tương đối ổn định”, ông Dưỡng khẳng định.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Thành thông tin thêm, theo con số thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn xã có trên 2 ha diện tích trồng mướp khía. Thời gian qua, cùng với một số loại cây khác như môn nịt, khoai lang, sắn, ném... cây mướp khía cũng được một số hộ gia đình lựa chọn trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thái sẽ tiếp tục khuyến khích người nông dân nhân rộng mô hình mướp khía; đồng thời giúp nông dân lựa chọn mô hình sản xuất mới, phù hợp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Vĩnh Linh mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Thanh Trúc |

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giá trị sản phẩm lúa hàng hóa, từ năm 2017, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã khuyến khích, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông qua việc liên kết chuỗi với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ khâu giống, vật tư nông nghiệp đến tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng dự lễ giao nhận quân năm 2024 tại huyện Vĩnh Linh

Trúc Phương |

Ngày 26/2, huyện Vĩnh Linh trang trọng tổ chức lễ giao nhận quân năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự (NVQS) tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Đức Hải đến dự và động viên các tân binh lên đường nhập ngũ. Thiếu tướng Huỳnh Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ và Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục C10, Bộ Công an cùng dự.

Vĩnh Linh đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn

Nguyên Đồng |

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn ngân sách huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) quản lý với tổng số vốn gần 1.280 tỉ đồng. 

Phát triển du lịch biển ở Vĩnh Thái

Mỹ Hằng |

Nhiều năm gần đây, biển Vĩnh Thái thuộc xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thu hút khá đông du khách đến tham quan, tắm biển. Nền kinh tế - xã hội của xã bãi ngang này cũng từ đây có thêm triển vọng phát triển mới, không chỉ khai thác thế mạnh để làm du lịch, đem lại giá trị thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.