Hội đồng thẩm định liên ngành vừa gửi tới tỉnh Quảng Trị kết quả thẩm định dự án sân bay Quảng Trị theo hình thức BOT. Hội đồng đề nghị tỉnh tiếp thu ý kiến thành viên hội đồng, phê duyệt dự án theo quy định.
Năm 2026 sẽ đưa vào khai thác sân bay Quảng Trị
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - chủ tịch hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị (sân bay Quảng Trị) - đã thay mặt hội đồng ký báo cáo kết quả thẩm định gửi tỉnh Quảng Trị làm cơ sở phê duyệt đầu tư dự án.
Sân bay Quảng Trị do Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Liên danh Vietur vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu 35.000 tỉ sân bay Long ThànhBộ Giao thông vận tải: Đầu tư sân bay Quảng Trị theo phương thức PPP là phù hợp
Theo đề xuất của T&T Group, sân bay Quảng Trị sẽ được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có khả năng đỗ tàu bay code E và sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu khai thác khoảng 5 triệu hành khách/năm, và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sân bay Quảng Trị sẽ được tỉnh phê duyệt đầu tư vào quý 3 năm nay, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 của dự án (hoàn thành trước năm 2026) sẽ thực hiện xây dựng các công trình cơ bản của sân bay Quảng Trị để đáp ứng khai thác khoảng 500.000 hành khách/năm.
Các công trình xây dựng trong giai đoạn 1 gồm: đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m; một đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay có chiều rộng 15m; sân đỗ máy bay với 3 vị trí đỗ tàu bay code C; nhà ga hành khách; các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Trong giai đoạn 2 của dự án, nhà đầu tư đề xuất xây dựng công trình khu bay vào các năm 2029, 2043 và 2050 bảo đảm nâng công suất khai thác; đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không và nhà điều hành cảng hàng không vào năm 2029; xây dựng công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không phục vụ khai thác sân bay.
Xây dựng mở rộng ga hành khách sân bay Quảng Trị vào năm 2029 đáp ứng công suất khai thác 2,2 triệu hành khách/năm; mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách vào năm 2047, bảo đảm nâng công suất sân bay Quảng Trị lên 5 triệu hành khách/năm.
Trong năm 2029, nhà đầu tư cũng đề xuất xây dựng thêm nhà ga hàng hóa sân bay Quảng Trị đáp ứng nhu cầu khai thác 5.600 tấn hàng hóa/năm, sau đó sẽ đầu tư mở rộng ga hàng hóa đợt 1 vào năm 2043, đợt 2 vào năm 2059 để đạt công suất khai thác hàng hóa 25.500 tấn/năm.
Cũng theo đề xuất mới nhất của nhà đầu tư thì diện tích đất xây dựng sân bay Quảng Trị khoảng 265,3ha (chưa bao gồm diện tích khu quân sự 51,2ha).
Đề nghị rà soát kỹ chi phí đầu tư
Tổng vốn đầu tư sân bay Quảng Trị cũng được nâng lên mức 5.821,1 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Loại hợp đồng dự án sân bay Quảng Trị được nhà đầu tư đề xuất là hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thời gian thực hiện dự án 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng 2 năm, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn 47 năm 3 tháng.
Thẩm định tổng vốn đầu tư dự án, hội đồng thẩm định liên ngành cho rằng trong đề xuất mới nhất tổng vốn đầu tư dự án đã tăng 311 tỉ đồng (tăng khoảng 5,6%) so với sơ bộ vốn đầu tư được ghi trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đối với các chi phí xây dựng, chi phí thiết bị tại dự án, hội đồng thẩm định liên ngành cũng đề nghị làm rõ tính tương đồng trong việc vận dụng chi phí thiết bị tại các sân bay Vân Đồn, sân bay Cát Bi, sân bay Điện Biên vào tính toán tổng vốn đầu tư dự án sân bay Quảng Trị.
Hội đồng liên ngành cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị rà soát kỹ chi phí thực hiện dự án, bảo đảm suất vốn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)